КIRSAN – SPEEPLESS IN HANOI – FROM KISU WITH LOVE (P.7)

“Hà Nội ơi mỗi khi lòng xác xơ…”. Đối với Kirsan Ilyumzhinov chỗ làm việc quen thuộc nhất có lẽ là trên máy bay, năm nay anh bay ít hơn, đến đầu tháng 11 này “mới” bay đến 80 nước thôi so với 110 nước/năm trung bình trong suốt hơn hai chục năm qua từ khi làm Chủ tịch liên đoàn Cờ vua thế giới. Với tâm trạng nặng nề khi không thể có mặt trong lễ khai mạch trận đấu giành chức vô địch thế giới (giữa đương kim vô địch Carlsen-Na Uy và Karjakin-Nga) bởi lẽ phía Mỹ vẫn kiên quyết chưa cấp visa cho anh. Tất nhiên trong cuộc họp báo “lịch sử” trước trận khai mạc (“lịch sử” bởi lẽ Chủ tịch đã trả lời báo giới quốc tế qua Skype) anh không chia sẻ, rằng nếu đại sứ quán Mỹ thời Obama này không cấp visa cho anh thì anh sẽ quay về Hà Nội sau một tuần ngổn ngang với bao cảm xúc, với 3 ngày bầu cử tổng thống Mỹ và câu chuyện cấm vận của anh…
Trận đấu giữa hai tài năng cùng tuổi này vô cùng hấp dẫn bởi nhiều nguyên nhân. Hai tài năng này cũng trẻ tuổi tài cao, cùng sinh 1990. Không ai tin Karjakin có thể thắng được Carlsen (cũng như trước kia chả ai tin Alekhin có thể thắng được Kapablanka vĩ đại, hay mới đây thôi Trump có thể đắc cử trong cuộc đối đầu với Hillary Clinton). Karjakin 12 tuổi đã trở thành đại kiện tướng quốc tế, điều mà Carlsen chỉ làm được hơn một năm sau đó. Nhưng Carlsen lại nổi tiếng thần đồng “trăm năm mới có một người” trong khi Karjakin chỉ có người trong giới thể thao mới biết, vì Carlsen đã nhiều năm giữ chức vô địch thế giới- trong khi Nga đã 9 năm ròng không đòi lại được vương miện này từ sau Kramnhik đánh mất nó. Ai cũng bảo Karjakin chẳng có mấy cơ hội chiếm ngôi, mặc cho Sergey Karjakin mới trở thành nhà vô địch thế giới về cờ nhanh (“rapid”-mỗi kỳ thủ có 15 hoặc 25 phút cho 40 nước đi) mới đây ở Astana (Kazakhstan), hơn hẳn điểm Magnus Carlsen. Luật chơi mới của FIDE cũng làm trận đấu sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều, vì diễn ra nhanh hơn với 12 ván, và nếu có hòa thì sẽ đánh “nhanh” hơn nữa để chậm nhất cũng vẫn kết thúc vào 30/11. 1 triệu đồng tiền thường cho 2 kỳ thủ chưa kể các hợp đồng tài trợ khác, chính báo giới Mỹ “xoắn” hơn ai hết về trận đấu này, nhất là với tin chủ tịch FIDE buộc vắng mặt thì lại càng “hot”. Còn Kirsan quyết định một chọn nơi không thể có tin tức gì liên quan đến New York…
Hà Nội đón anh bằng một ngày nắng đẹp mà không nóng, trái hẳn với trận bão tuyết ở Moscow vừa tiễn anh ra phi trường. “Cũng may mình có mấy hộ chiếu” – anh giải thích cho những người bạn ra đón anh vì sao lại có mặt được ở đây khi hộ chiếu vẫn nằm ở đại sứ quán Mỹ và cứ 14h hàng ngày có đại diện Bộ ngoại giao Nga đến chờ kết quả, còn phía Mỹ thì ngày nào cũng xin lỗi hãy chờ đến mai vì “case” này đặc biệt quá. Quả là lạ cái cảm giác không hề “cập nhật” với các sự kiện cờ vua, anh hưởng thụ nó thêm một lát nữa rồi mới bật điện thoại- tràn ngập tin nhắn báo về-“trận đầu hòa”.
Trước đây anh qua Việt Nam rất nhiều lần, đã gặp gỡ với biết bao nhiêu vị lãnh đạo, từ chủ tịch Lê Đức Anh, rồi Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang… cả ở Việt Nam lẫn mời họ tới quê hương anh, nhưng những năm cuối này anh “lặng lẽ trở về, lặng lẽ ra đi” thực sự vô cùng thoải mái. Anh về để tìm cho mình một góc bình yên trong tâm hồn, như một công dân thế giới tới với Hà Nội trên con đường vạn dặm của mình. Hôm nay cũng không phải lần đầu trên đường về Hà Nội anh đề nghị cho ghé vào một ngôi chùa đẹp cạnh hồ Tây. Chùa rất đẹp và tĩnh mịch, buổi trưa vắng chẳng một bóng người, chỉ tiếc không kiến đâu ra hương để thắp, nhưng anh được chiêm bái tượng Phật, được đánh trống, được nhìn hồ Tây từ mép nước… Vậy đã, bây giờ mới bắt đầu Hà Nội!
Với thói quen lên kế hoạch cho từng giờ phút Kirsan biết việc tiếp theo phải làm- ăn phở. Không một món ăn nào có thể so với phở-có lẽ anh đã ăn phở ở khắp thế giới, còn ở Hà Nội thì anh biết chỗ nào sẽ ăn. “Phở kiểu của anh” phải là phở bò, thật ít nước và nhiều bánh phở (“ăn để ngon và no, chứ biết đâu không kịp ăn bữa sau thì sao…), nhiều dấm ớt tỏi và xì dầu nhưng lại không phải là phở trộn kiểu “trẻ trâu”. Tuy vậy phở Hà Nội vẫn lại một lần nữa làm anh ngạc nhiên thú vị, lần này là với món trứng trần. “Bao nhiêu năm đã ăn phở với hội Việt Nam mà sao chả bao giờ được giới thiệu món này, hôm nay mới thấy người ta ăn rầm rầm, lại còn nghe nói bổ lắm nữa…”. Kết luận của Kirsan là “ngon” và chưa thể bằng lòng với lời giải thích “trứng gà của Nga có lẽ chán hoặc rẻ quá nên người Việt không ăn trứng trần bên ấy”- Kirsan sẽ tự kiểm tra lại với các loại trứng khác nhau trên thế giới…
Về tới khách sạn là ngày làm việc bắt đầu, trước tiên Moscow tỉnh giấc, rồi chiều tối sẽ là nước Mỹ. Truyền thông “dội bom” anh qua điện thoại, muốn hỏi cảm nhận của anh sau trận đầu tiên, còn anh là chủ tịch FIDE thì không thể biểu hiện thái độ thiên vị cho bất cứ kỳ thủ nào. Anh trả lời đại ý “Carlsen lập tức xung trận chứ không dò la gì nhiều, tung ra “nước đã chuẩn bị sẵn” (домашняя подготовка-không biết làng cờ Việt Nam gọi đó là gì) nhưng Karjakin tỏ ra đã được chuẩn bị về lý thuyết khai cuộc rất tốt, hóa giải chuẩn xác và hai người đồng ý hòa sau 43 nước đi”. Ngoài lề anh kể với chúng tôi, là tuy thâm tâm ủng hộ đồng hương trẻ Karjakin nhưng anh biết là vô cùng khó, nhất là về tâm lý, phải chiến đấu với một thiên tài và thần tượng của cả thế giới. Karjakin chuẩn bị khá kỹ trong nửa năm, đội ngũ huấn luyện viên gồm 6 người toàn chuyên gia bậc thầy, nhất là về lý thuyết có Svidler- người bị chính Karjakin vượt qua phút cuối ở vòng loại trực tiếp tại bán kết. 6 người đó là huấn luyện viên chính thức được công bố, do liên đoàn thuê và tào trợ cho kỳ thủ (phía Carlsen cũng vậy) chứ vận động viên nào cũng phải thuê (hoặc nhà tài trợ kiếm cho) thêm những huấn luyện viên giấu mặt – đây cũng là trận đấu giữa những kẻ giấu mặt này với nhau. Riêng về tâm lý thi đấu thì cả hai đều quá xuất sắc, có lẽ chính vì thế mà họ gặp nhau tại chung kết. Carlsen nổi tiếng đánh nhanh và nghĩ như máy, không mấy khi biểu lộ cảm xúc, và rất nhiều khi anh thắng ở những thế cờ mà cả người, cả máy tính đều chắc chắn rằng hòa (có ván anh “cù cưa” đánh đến 150 nước rồi mới thắng- hay đúng hơn là đối thủ không đủ tỉnh táo cuối cùng tạo ra sơ hở ở thế cờ hòa). Karjakin chuyên gia lội ngược dòng, thắng không ít trận khi cầm quân đen, và hay ở chỗ tỷ số trận đấu hầu như không ảnh hưởng gì đến chất lượng chơi cờ của anh…Kirsan tự nhủ, biết đâu ở xa New York anh lại dễ dự đoán được ai sẽ thắng hơn thì sao…
Trận đấu diễn ra tại một tòa nhà cổ trên đại lộ Mahhatan, trước kia từng là Sở giao dịch chứng khoán. Ngày nay không ai được quyền mang vào bất cứ dụng cụ điện tử nào: đồng hồ, điện thoại, ghi âm…tất cả bị kiểm tra rất kỹ. Kỳ thủ được kiểm tra doping, và ngồi trong phòng riêng ngăn với bên ngoài bởi một tấm kính mà họ thì không thể nhìn ra được, loại bỏ yếu tố ai đó có thể tác động đến vận động viên. Ngoài 2 kỳ thủ chỉ có 3 người có quyền bước chân vào căn phòng ấy: trọng tài chính của giải, trọng tài trận đấu và Kirsan-chủ tịch liên đoàn. Hôm nay sẽ chỉ có 2…
Trận đấu này đặc biệt hấp dẫn (mà sao truyền thông Việt Nam bỏ lơ?) bởi có khá nhiều yếu tố chính trị xung quanh. FIDE chọn Mỹ là nơi tổ chức tới 30 sự kiện cờ vua trong năm 2016, Kirsan tuyên bố trận chung kết tháng 11 này để tưởng niệm thiên tài cờ vua Mỹ Bobby Fisher thế nhưng chính anh lại bị Mỹ cấm vận. Trận đấu diễn ra ngay sau cuộc tranh cử tổng thống Mỹ- và anh với tư cách chủ tịch liên đoàn mời cả 2 ứng viên tổng thống tới buổi khai mạc nhưng vì anh vắng mặt nên dễ hiểu chỉ có thị trưởng New York đến thay thôi. Anh kiện Bộ tài chính Mỹ và đòi cấp visa thì vô hình chung anh đã đặt mình vào “phe” chống Obama-Clinton rồi mặc dù cá nhân anh chẳng có vướng bận gì về việc “dân chủ” hay “cộng hòa” cả. Đối thủ nhiều năm của anh là Garry Kasparov (mặc dù anh bảo mình không có kẻ thù nào) coi New York như “thủ phủ” của mình và chống phá kiên quyết việc New York tổ chức trận chúng kết cờ vua, chưa kể Garry luôn phát biểu chống phá phe cộng hòa, và khi Trump tuyên bố sẽ không ủng hộ NATO ở châu Âu nữa đã gọi Trump là “thằng đần”. “Thiên tài thể thao thì cũng có thể vẫn là người nghiệp dư trong chính trị vậy!”- Kirsan đã đánh giá như vậy. Cũng chính vì Kasparov đã chống Trump đến cùng như vậy nên rất nhiều hãng thông tấn, nhà đài đã phỏng vấn Kirsan về kết quả cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Dù đã biết trước kết quả chung cuộc nhưng anh vẫn phân tích đánh giá rất chi tiết mặt mạnh, mặt yếu của từng ứng viên và ảnh hưởng của họ thế nào đối với nước Mỹ và thế giới nếu thắng cử. Мột đài phát thanh vùng Florida nơi có nhiều cựu công dân CCCP sống đã xin là chương trình hàng tuần lúc 18h chủ nhật để anh bình luận về cuộc bầu cử tổng thống này… Anh giải thích với thính giả: nếu Clinton thắng thì chắc là tôi vẫn kiện tiếp, còn nếu Trump thắng cá nhân tôi sẽ có kế hoạch hành động cụ thể ngay lập tức, xin chia sẻ sau…
Buổi tối Kirsan đề nghị cho đi ăn quán Nhật cho vắng vẻ, vì còn mấy báo đài nữa sẽ phỏng vấn qua điện thoại về New York. “Tôi có lẽ có khoảng 300 người quen ở Hà Nội, nhưng những dịp như thế này rất không muốn bất cứ cuộc gặp gỡ nào, đang cần tĩnh tâm mà…”. Chúng tôi chọn quán Nhật “Kisu”- một quán Nhật kiểu modern có lẽ đầu tư cầu kỳ và sang trọng nhất tại thủ đô, với tất cả thực phẩm đều nhập về từ Nhật Bản. Thế nhưng nhiệm vụ chỉ một mình “Hà Nội và tôi” của Kirsan lại cũng khó thực hiện – hóa ra người chủ quán lại từng là một sinh viên nhạc viện ở Moscow những năm 80 và đã có lần tụ tập nhậu nhẹt với hội sinh viên trường ngoại giao, trong đó có cả Kirsan. 28 năm trước- lần gặp cuối cùng, sau đó anh sang Tây Âu và hôm nay thật ngỡ ngành khi gặp lại Kirsan hầu như vẫn không thay đổi qua từng ấy năm. “Tôi sẽ đích thân xuống bếp làm cơm, Kirsan chỉ cần nói muốn ăn gì là sẽ có hết!”. Và rất nhanh thôi ước muốn của anh được masterchef Đinh thực hiện đúng kiểu sinh viên độc thân những năm 80 tại Liên Xô: thịt bò xào nhiều hành tây (thịt hiếm, nên ít thôi) rồi đảo với khoai tây rán cháy cạnh, thật nhiều trứng đúc thịt (cái này rẻ) và thật nhiều cơm ăn với maggi! Cá ngừ vây xanh đại dương, cá cam, tôm, bạch tuộc, trứng cá… dù có ngon và quý đến mấy cũng chỉ để trang trí chứ làm sao so được với món cơm truyền thống mấy chục năm nay Kirsan vẫn được thưởng thức đều! Kirsan đùa: “Kirsan và cờ tướng nói chung có rất nhiều chữ “K”: Karpov, Kasparov, Korchnoi, Kramnhik, Kamskiy, rồi ngày nay Karlsen, Karjakin… Bây giờ tôi ngồi ăn ở “Kisu” thế này là dễ bị đồn là quán của tôi lắm đấy nhé!”Với thắc mắc “đa số dân chơi cờ đỉnh cao và lãnh đạo liên đoàn cờ vua toàn gốc Do Thái thì Kirsan khai thật ra có gốc gác gì không?” Kirsan kể rằng liên đoàn cờ vua Izrael rất thân thiết và ủng hộ anh, tuy vậy họ điều tra về việc này nhiều năm nay, cuối cùng kết luận anh không có chút máu mủ Do Thái nào từ bao đời nay thật! Chả thấy mấy ông bạn ở Liên đoàn cờ Việt Nam nghiên cứu vấn đề này gì cả…”.
Vừa ăn tối rất ngon miệng vừa hồi tưởng những năm vất vả mà vui trong ký túc xá, Kirsan vừa trả lời phỏng vấn của báo Nga “Kommersant”: “Tôi chỉ có thể nói là trận đấu 12 ván khá ngắn so với trước kia, nên kỳ thủ nào có trận thắng đầu tiên sẽ có ưu thế rất lớn. Karjakin hòa quân đen ván đầu nên có chút xíu ưu thế so với Carlsen, mọi việc còn ở phía trước. Tôi hy vọng tuần sau sẽ nhận được visa Mỹ để đến được với trận so tài lịch sử này ở New York…”. Ngoài lề Kirsan kể rằng tổng thống Putin rất quan tâm đến trận đấu, nhưng có lẽ sợ Karjakin “thua thảm” mất thể diện nên chưa tuyên bố bất cứ điều gì, chỉ cử người phát ngôn Peskov đến dự khán từ đầu tới cuối. Đoàn Nga cũng đông đảo và thành phần đa dạng hơn bao giờ hết , chỉ thiếu Kirsan. Anh nói rằng không thể tuyên bố nên ít người biết được diễn biến trận đấu sẽ như sau và rất phụ thuộc vào việc Mỹ có cho anh sang dự sớm không? Nếu sớm thì Kirjakin sẽ dẫn điểm trước rồi bảo toàn khoảng cách cho đến trận cuối rồi chiến thắng. Nhưng nếu anh không sang được thì Karjakin dù có dẫn trước cũng sẽ thảm bại chung cuộc. Anh hỏi chúng tôi tại sao người Việt ít tổ chức đấu kiểu một người (kiện tướng) đấu cùng một lúc với nhiều người chơi thế, cách này quảng bá cho cờ vua rất tốt. Và thế rồi trong một phỏng vấn anh nói: “Sau khi Carlsen trở thành vô địch thế giới tôi đã mời cậu ta sang Moscow chơi cùng lúc với rất nhiều học sinh Nga – lần này nếu Karjakin trở thành vô địch tôi sẽ mời anh sang chơi như vậy với học sinh Hà Nội trong năm sau…”
Cảm ơn chủ quán vì bữa ăn đặc sắc Kirsan trở về khách sạn – “nước Mỹ đã thức giấc rồi và 2h đêm ván thứ hai sẽ bắt đầu-chắc lại một đêm ít ngủ đây”. Hà Nội về đêm không hề yên lặng nhưng cũng rất đẹp. Nơi xa bên kia địa cầu những chữ “K” bắt đầu vào cuộc…
(Ghi chú: trận thứ hai cũng đã hòa trong đêm nay, tỷ số 1-1).
Ảnh:
-Kirsan ở Hà Nội
-bữa ăn sinh viên sau 28 năm chưa gặp lại tại “KISU” (65C Trần Quốc Toản- Hà Nội)
-Carlsen và Karjakin hồi nhỏ và bây giờ tại New York.
-Cuộc họp báo quốc tế qua Skype
Bình luận Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *