TÂM SỰ VỚI NHỮNG BẠN CÓ NGƯỜI THÂN BỊ BỆNH K

Sau khi tôi viết bài đầu tiên về bệnh K với các bệnh nhân:
đã trôi qua hơn một năm rưỡi, tuy nhờ ơn Trời tôi vẫn chưa mắc bệnh ung thư nhưng càng ngày càng thấy xung quanh biết bao nhiêu người thân, bạn bè vướng vào bạo bệnh này. Lần này tôi muốn tâm sự với những người cùng cảnh ngộ như tôi, tức là có người thân của chúng ta phát hiện ra bị bệnh ung thư.
Lúc mới phát hiện bệnh, đối với bệnh nhân thì họ vô cùng “suy sụp” – thế giới chỉ trong chớp mắt thay đổi hoàn toàn, bao nhiêu dự định ấp ủ, bao nhiêu công sức dở dang, bao nhiêu thương yêu chưa kịp bù đắp đều trở thành vô nghĩa. Những thời khắc khủng khiếp nhất đối với họ có lẽ là lúc này, nhưng con người ta có sức mạnh tinh thần, có ý chí, sẽ dần tự tĩnh tâm, cân bằng lại được, bệnh nhân sẽ quyết tâm “tìm thầy, tìm thuốc” để chống bạo bệnh. Nhưng chúng ta còn bị “sốc” dài dài, tuy rằng chúng ta có thể an ủi họ, cổ vũ họ đấy nhưng trong thâm tâm ta hiểu một điều: chúng ta cũng chịu chung nghiệp nạn đối với người thân, và cái cảm giác bất lực cứ len lén xâm chiến lòng ta cũng làm chúng ta khổ sở có thể không ít hơn, nhưng chắc là còn lâu hơn cả người thân của ta đang vướng bệnh!
Rất tâm đắc với miêu tả của anh bạn Như Hùng: “…Phần lớn tử vong không phải vì trực tiếp bệnh trọng mà toàn vì gián tiếp các hiệu ứng phụ cả, cái này gọi là phụ chính đại thần đây…
Một yếu tố quan trọng bậc nhất ảnh hưởng tệ hại đó là suy sụp tinh thần, vì đủ thứ lý do mà chưa chắc đã phải là sợ chết. Cũng có thể đó là sự thay đổi cảm giác đường đột trước những gì mà người ta còn muốn làm cho trọn nhưng lượng sức thì không đủ thời gian. Một khi bchtw mà có ý chần chừ, hoặc muốn buông xuôi, thì chẳng làm thể nào mà chỉ huy được cơ thể chiến đấu được gì với trọng bệnh. Thua cũng là lẽ tất yếu. Bác sỹ giỏi đến đâu, phương tiện thuốc men tốt đến đâu thì cũng đành phải bó tay.
Số phận thật trớ trêu, như muốn bỡn cợt vậy, là khi va phải trọng bệnh thì lại còn có cả một số đông hùng hậu thân nhân gi gỉ gì gi cái gì cũng nhất. Từ rau sam nước ao đền Và tới tế bào gốc đều giỏi cả, thế là người bị bệnh trọng lại thêm điên đầu, có thể phó thác mặc kệ xây sửa theo kiểu Azit Nê-xin. Và rồi tèo cũng theo kiểu lhq, vì lhq không phải là ai cụ thể, và cũng chẳng có lhq nào chịu trách nhiệm cá nhân cả. Tất cả đều mãn nguyện rằng mọi thứ đã dùng đều là đỉnh, là nhất – tất nhiên là trừ xác chết, vốn không biết nói gì thêm.
Lỡ mà bệnh trọng thì vẫn còn thời gian nào đó, có phải bòm phát xong ngay đâu, ít nhất để không rơi vào tả pín lù của “giỏi giang vô trách nhiệm”, để dành cho con bệnh còn có cơ hội tĩnh tâm và tỉnh trí để ra quyết định gì đó với trọng bệnh của mình. Nếu đã hết tỉnh táo thì hãy dành quyền cho ai đó hiểu biết cách làm tối ưu nhất mà họ dám chịu trách nhiệm không suông.
Bệnh trọng không ít khi chết chẳng phải vì thiếu hiểu biết cổ điển, mà vì biết quá nhiều cái hiện đại chẳng đầu đến đũa và mang tính độc quyền sở hữu nữa. Đối với trọng bệnh thì được học thôi chưa phải là đủ…”
Vậy nên chúng ta phải hết sức thấu hiểu mà nhận rõ vai trò của mình: ta là người đồng hành và đồng cam cộng khổ với bệnh nhân, nhưng các quyết định quan trọng nhất trong chữa trị thì phải do người bệnh chủ động và đầy đủ thông tin để đưa ra! Nhất là đối với bệnh K bởi mỗi người bệnh sẽ có một lộ trình chữa trị riêng phụ thuộc điều kiện sức khỏe, điều kiện vật chất, phụ thuộc vào hiểu biết của bệnh nhân và kiếp nghiệp của bệnh nhân nữa, họ có đủ “duyên” để gặp được thầy giỏi, thuốc hay hay không? Và vì ta là người thân nên trong kiếp nghiệp đó cũng có cả một phần là của ta nữa đấy…
Nhưng như thế không có nghĩa chúng ta không thể tác động lên quá trình chữa bệnh của bệnh nhân (tôi vẫn luôn muốn dùng từ “chữa” – bởi K cũng là một loại bệnh và nếu xác định là chỉ để kéo dài thời gian tức ra người bệnh và ta đã “xin thua” rồi, hãy xác định là phải chữa khỏi bệnh, dù có khó khăn, dù có cần may mắn đến thế nào chăng nữa!). Xưa kia có biết bao bệnh nan y đưa con người ta về cõi chết, ngày nay quả thực những bệnh tim mạch, huyết áp và ung thư là những tác nhân chính gây tử vong, cũng bởi đó một nửa lý do là “tâm bệnh” – vẫn phải có bệnh để chúng ta trở về với luân hồi, nhưng rồi sẽ sớm thôi sẽ có các phương thuốc diệt được ung thư, K sẽ không còn là nan y nữa! Hãy cho người thân của chúng ta niềm hy vọng, lẽ sống để vươn lên…
Để chiến thắng bệnh tất, cả bệnh nhân, cả chúng ta cần có THÂN TÂM AN LẠC! Và đó chính là cái chúng ta có điều kiện hơn, phải giúp cho bệnh nhân có được. Bệnh nhân phải được sống những ngày tháng càng nhiều ý nghĩa, đủ đầy về mọi mặt, muốn thế chúng ta cũng phải coi họ tuy có bệnh nhưng cũng hoàn toàn là những người bình thường. Trước hết người thân chúng ta phải thật bình tâm, rồi mới tạo được môi trường sống, làm việc và chữa bệnh thật an lành cho người bệnh…
Tôi xin kể về hai người quen đều đang bị K giai đoạn cuối ở nước ngoài, cách họ chiến đấu với căn bệnh quái ác này cũng đáng để chúng ta suy ngẫm. Một người anh đang sống ở châu Âu, đã nhiều lần mổ, 2 lần cận kề với cái chết. Tuy vậy bên đó bác sỹ khuyến cáo bệnh nhân tùy điều kiện sức khỏe nhưng cứ phải hoạt động tích cực hết mình, mà hình như ở ta thì ngược lại, cả bác sỹ lẫn người thân chúng ta hay “nương nhẹ” bệnh nhân quá hay sao ấy. Còn bác giai này trượt tuyết, câu cá trên băng, xem bóng đá, đi khắp các nước, thậm chí hơi “hư” nên thỉnh thoảng vẫn làm dăm chén vodka rồi rít mấy hơi xì gà với anh em, tất nhiên cũng phải trong chừng mực. Và vẫn làm việc, vẫn sống khỏe, thậm chí còn suýt nữa…có thêm con! Tôi nghĩ đó chính là cuộc sống đáng mơ ước nhất của một bệnh nhân K giai đoạn cuối.
Một cô gái khác (có lẽ khá nhiều người bệnh K biết đến em) – người Việt sống ở Lào, em K giai đoạn cuối và đang chữa trị ở khắp nơi: Lào, Thái Lan, Hồng Kông, Việt Nam… Có thể nói là thuốc nào cũng thử rồi, cách nào cũng đã làm, quanh năm phải chống đỡ với cái con “di căn” thực sự vất vả, được cái cô này vô cùng dũng cảm và đau đớn đến mấy cũng chịu đựng được. Thậm chí cô chả sợ cái chết, chỉ muốn biết “đi” sớm hay muộn thôi bởi còn nhiều công việc đang dang dở! Cô có người cháu gái bên Lào là “nhà tiên tri” số một, số hai đấy, nhưng hỏi “bao giờ chết” thì câu trả lời luôn thay đổi: lúc thì sáu tháng, lúc thì hai năm, lúc thì khó lắm rồi… Hỏi tôi vì sao lại có nhiều câu trả lời khác nhau như vậy, tôi giải thích với cô là “số phận con người thay đổi từng giờ, từng phút, từng giây” và cô cháu ấy vì giỏi nên thấy gì nói nấy, không phải cô cháu nói dựa đâu! Lần này cô gái đang qua một đợt chữa chạy rất mệt mỏi, rất đau… cô ý có nhờ tôi hỏi “bao giờ đi” để còn tính! Tôi có chuyển lời khuyên tới cô gái ấy như thế này: em đã đi chữa rất nhiều vùng đất rồi, đều thầy giỏi thuốc hay cả. Nhưng có lẽ nơi phong thủy hợp với em nhất, là nơi quê hương sinh ra em, nơi em lớn lên khỏe khoắn đẹp xinh. Thử về quê chữa bệnh đi em, nơi có các vị Hồn Thiêng Sông Núi sẽ cứu được em…”. Cách đây mấy hôm em thông báo: “Em đã nói chuyện với chồng rồi, và chồng đồng ý! Chỉ mong sao không quá đau, quá mệt là kiểu gì em cũng sẽ về…!”. Tôi xin cô ấy ảnh để minh họa, cô ấy đồng ý nhưng bảo tôi cứ chọn ảnh nào giản dị nhất thì hãy đưa lên, cho đúng với con người thật…
Vậy đấy, từng bệnh nhân sẽ tự (và phải!) tìm được con đường chữa bệnh K của mình: người thì phải qua ngoại quốc chữa cho cẩn thận, người thì phải sống thật tích cực, người thì lại cần về quê cũ… Còn chúng ta là người thân bên cạnh, ngoài chuyện chia sẻ mọi nỗi khó khăn thì việc cần thiết là giúp tạo cho người bệnh có THÂN TÂM AN LẠC, để biến những năm chống chọi với bệnh K lại trở thành những năm tháng tươi đẹp, có ý nghĩa nhất của đời người – đối với bệnh nhân và đối với cả chúng ta! Không có bao giờ là quá muộn!
Bình luận Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *