ĐỈNH NÚI PHÚ SĨ

Đêm đầy sao, trăng tròn vành vạnh tưởng chừng như không cao lắm, thi thoảng có con chim đại bàng lượn vòng cứ như sắp chạm vào vành trăng. Đang mùa hè sang thu nhưng ban đêm trên độ cao như thế này gió thổi cũng mạnh lắm. Không cảm thấy lạnh, không hề để ý gì đến mấy con đại bàng đang lượn lờ phía trên, cũng chả để ý đến gió cứ lắc lư mình qua lại, Benkei đang treo mình trên một sợi dây da quấn quanh bụng, sợi dây được buộc vào một mỏm đá nhô hẳn ra và thế là ở dưới chân Benkei là cả một vực thẳm đen ngòm. Kệ cho gió thổi, ông chắp tay khép chân đúng như đang cầu kinh, và ông thiền. Những tăng binh yamabushi – “người đi trên núi” – những người tu hành khổ hạnh theo trường phái Shugendō được vị thần tăng En No Gyoja sáng lập nên – đều không ít lần thiền theo cách như thế này. Họ sám hối trước Đức Phật, trước thần núi Phú Sĩ “Sengen Debosas” hay còn gọi là Thần Lửa, và rất tin rằng nếu ai không thật lòng sám hối thì sợi dây dù chắc đến đâu cũng sẽ đứt, người đó sẽ tan xương nát thịt ngay dưới vực sâu, và ngược lại nếu thành tâm sám hối thì sẽ luôn được an toàn…
Trong lúc thiền định ông như được đưa ngược lại dòng đời của mình. Cha ông là một vị sư trụ trì trong chùa, thế mà lại hãm hiếp mẹ ông – người con gái của một ông thợ rèn – để rồi ông ra đời không được giống như những đứa trẻ may mắn khác. Mẹ ông chửa ông đến 18 tháng, khi sinh ra ông đã có răng, có tóc nên người cha thì nghĩ ông là đứa con của quỷ, muốn đem ông đi giết, nhưng bà mẹ xin được nuôi ông – với một điều kiện rất khắc nghiệt là đứa trẻ không được sống trong nhà. Ông bị đuổi khỏi nhà từ bé, đã phải sống tự lập, lên 6 tuổi còn bị bệnh đậu mùa suýt chết, từ đấy mặt đen sạm. Một đứa trẻ lớn lên xấu xí, to khỏe và đầy lòng thù hận – đấy là ông hồi bé với tên gọi Oniwaka.
Trời rạng sáng, không khí ấm dần lên, phía dưới núi các sinh vật, cỏ cây như cùng thức giấc. Trong tâm thức Benkei nhớ đến lúc 17 tuổi, ông đã trở thành một chiến binh (sohei) nổi tiếng bởi sức khỏe phi phàm, bộ dạng làm kẻ thù khiếp sợ và lòng dũng cảm tuyệt vời, và đúng theo truyền thống chiến binh Nhật Bản ông trung thành tuyệt đối với ông chủ là lãnh chúa Minamoto no Yoshitsune. Thanh thế đao (naginata) của ông nổi tiếng không kém ông, với tên gọi Iwatoshi mỗi lần được vung lên là sẽ có kẻ đầu rơi máu chảy. Giang hồ đồn đại là ông đã giết được không biết bao nhiêu đối thủ, thu về được đến 999 thanh kiếm và chỉ thua đúng một trận nên chịu quy phục một samurai trẻ hơn mình, đó chính là Minamoto. Thực ra chỉ có ông và Minamoto mà ông phải gọi là “Ngài” mới biết được, rằng Minamoto đã thấu hiểu đạo Phật rất thâm sâu, và đáng nhẽ phải tỷ thí đến chết với Benkei thì anh đã giảng giải cho Benkei về lòng Nhân Ái, về Đức Tin, về luật Nhân Quả, về kiếp Luân Hồi… Benkei bắt đầu ngộ dần về Phật Pháp, và ông tình nguyện đi theo Minamoto để học Phật. Ông biết mình đã gây kiếp nạn bộn bề, nhưng ông từ giờ mới hiểu rằng với kẻ thù thì không được khoan nhượng, nhưng bất cứ khi nào có thể nhân từ được thì phải tha thứ, bởi thù hận sẽ chỉ gây thêm thù hận và mang lấy Nghiệp vào mình…
Những tia mặt trời nóng bỏng chiếu thẳng vào yamabushi, ông vẫn treo tòng teng bởi sợi dây ngang bụng, thanh đao vật bất ly thân lại lủng lẳng bên hông nữa. Vào cái ngày định mệnh cách đây hơn chục năm nó đã lại một lần nữa cứu ông. Lúc đó một tay thuộc hạ khác của Minamoto no Yoshitsune tên là Fujiwara no Yasushira phản bội chủ và dẫn tay chân tới đánh úp trong đêm, chỉ có Benkei và Minamoto phải chống với hàng trăm tên có cả cung nỏ, hai yamabushi đã tắm máu quân thù, nhưng gần sáng thì Minamoto bị trúng tên độc. Biết rằng không còn sống được bao lâu, Ngài đã bắt Benkei phải thề rằng không được chết chung với Ngài, mà phải bỏ Ngài lại, mở đường máu thoát đi, nhưng thoát rồi sẽ phải từ bỏ giang hồ mà lên núi Phú Sỹ tu hành cho đắc đạo, tu sao cho thành Phật ngay ở kiếp này cơ! Benkei đã thề như vậy với ông chủ cũng là người thầy của mình, nhưng ông chỉ chịu thoát đi sau khi đã bảo vệ cho Ngài Minamoto thực hiện xong seppuku – tự dùng dao mổ bụng mình, chứ quyết không chết dưới tay kẻ thù! Bởi lo là không diệt trừ được hậu họa, Benkei theo truyền thống chắc chắn sẽ phải trả thù cho chủ, nên một mặt tên Fujiwara no Yasushira tung tin là Benkei đã chết (và nhân dân truyền tụng mãi hình ảnh cái chết của ông là chết đứng chứ không chịu ngã khi đã trúng hàng trăm mũi tên!), nhưng mặt khác vì không thu được thanh đao của ông nên quân thù quyết phải truy sát ông cho bằng được!
Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, Benkei mở mắt ra, ông đã treo mình như vậy hơn một ngày trời rồi. Tuy rất nóng nhưng ông không hề có một giọt mồ hôi trên cơ thể to lớn của mình, bởi vì đúng theo phép tu hành khổ hạnh nhất của Shugendō ông không mang nước uống, đồ ăn khi đi lên núi. Mà thực ra ông đã sống hẳn trên núi Phú Sĩ rất nhiều năm trời, sống bằng cỏ cây hoa lá, sống bằng nước hồ, nước mưa, nhiều lúc nhịn ăn mấy ngày trời mà không thấy mệt. Như có một luồng năng lượng từ trên đỉnh núi truyền xuống cho ông, chẳng bao giờ ông phải dùng đao để giết một con thú nào, dần dần tự ông biết được các công dụng chữa bệnh của nhiều loại cây thuốc, cũng như bỏ hết áo quần cũ mà thay bằng những thứ ông tự tạo ra bởi lá rừng. Theo quy tắc của Shugendō thì các yamabushi phải tu theo từng nhóm, bốn lần trong năm tức là mỗi mùa phải đi vào núi và cấm phụ nữ được leo lên núi thiêng, cũng như một quy định rất khó hiểu là mỗi nhà sư chỉ được lên đỉnh núi Phú Sĩ một lần trong đời, nhưng theo lời giảng của Ngài Minamoto thì ông không thấy có những điều cấm cản đó. Ông đã đắm mình trong cả năm cái hồ thiêng trên núi, và rất nhiều lần đã trèo lên đỉnh cao nhất của núi Phú Sĩ, nơi cảm nhận đất trời gần nhau nhất, đi quanh miệng núi lửa thiêng tròn vo này và nghĩ về mình, về lời hứa với Ngài Minamoto vào đêm cuối cùng, “phải tu thành Phật ngay tại kiếp này”… Ông chỉ có một mình, nên dù chẳng hề ngại khổ và ông cứ sống giữa đất trời, sông núi như vậy nhưng nào có biết mình có trở thành Phật được không? Dân đi núi thì kể với nhau là nhiều lúc gặp nạn hay ngã bệnh dọc đường lên núi thì cứ khấn Thần Núi hay Thần Lửa, sẽ có một vị Thiện Thần dưới bộ dạng quỷ sứ hiện ra và ra tay cứu giúp, thậm chí Ngài ấy cũng chả nói tên hay Pháp Hiệu của mình là gì, cũng chẳng hề hỏi đến việc đời dưới kia làm sao, triều đình thế nào, lãnh địa thuộc về ai… Người dân coi đó là một Sơn Thần, cai quản một phần núi Phú Sĩ. Thuộc hạ của Fujiwara cũng lờ mờ đoán ra được vị tăng binh bí ẩn hay Sơn Thần thoắt ẩn thoắt hiện này chắc là Benkei, nhưng chúng dò khắp các dòng tu Shugendō trong vùng rộng lớn này mà chưa thấy được tung tích của ông. Có lẽ Trời Phật bịt mắt chúng để không cho tìm ra ông suốt bấy nhiêu năm ròng, để ông còn tu tập…
Chậm rãi đu lên theo sợi dây cũng đã biết bao lần treo ông trên vách núi, Benkei nhô đầu lên đến mỏm đá bằng, nơi chỉ rộng bằng hai chiếc chiếu, đã thấy năm người ngồi im bất động ở đó, chính giữa là Fujiwara no Yasushira với bộ võ phục lãnh chúa thêu thùa xa hoa, và bốn kẻ đội mũ sắt mặc áo giáp che ngực theo kiểu samurai. Cả Benkei và Fujiwara không có một mảy may ngạc nhiên hay xúc động, họ đều biết thời khắc này sẽ đến.
Fujiwara chờ Benkei lên hẳn trên mặt đá phẳng rồi mới cất lời:
-Kính chào Ngài Benkei-san. Thế là mười mấy năm chúng ta không gặp lại nhau. Ta cố tìm ngưoi mà không được, còn ngươi đã gia ân cho ta – chính do đó ta có thể gọi ngươi bằng “Ngài” vì đã không tìm ta để trả thù, điều đó đối với ngươi có lẽ vô cùng khổ sở. Thế nên việc đầu tiên ta muốn tìm bằng được ngươi để hỏi vì sao?
-Ngươi giữ được tính mạng bởi Ngài Minamoto no Yoshitsune nhân từ, đã bắt ta hứa không bao giờ tìm nhà ngươi để trả thù, và ta đã phải tuân lời Ngài, ta coi Ngài như sư phụ của ta – Benkei trả lời, chưa bao giờ ông thấy trong lòng thanh bình như lúc này.
-Ta báo cho ngươi biết, ta đã bỏ đạo phái Shugendō từ lâu rồi, nay ta đã là Pháp sư của Đạo giáo, vậy nên nếu nhà ngươi cũng chấp nhận cải đạo và dâng nạp lại cho ta thanh đao Iwatoshi thì ta sẽ tha chết
cho, và ngươi sẽ được phục vụ dưới trướng của ta, lãnh chúa Fujiwara no Yasushira lừng danh khắp bốn cõi – nếu không thì hôm nay ngươi sẽ phải chết tại đây!
-Đạo giáo là của người Trung Hoa, còn ta là Benkei – thần dân của đất nước Nhật Bản đã được Thượng Đế tạo ra chỉ sau một ngày đêm, ngay tại quả núi thiêng Phú Sĩ này, sao ta lại theo cho được? Thanh đao của ta chưa hề nhuốm máu từ cái đêm cuối gặp nhà ngươi, vậy muốn lấy được nó các ngươi cứ bước lên hỏi “naginata Iwatoshi” nhé! Hãy nhớ là chưa bao giờ ta rút nó ra khỏi vỏ mà không có thây người đổ xuống đâu!
Năm người phía Fujiwara từ từ đứng dậy rồi cùng rút những thanh kiếm tati ra. Đằng sau tất cả đều là vực thẳm… Một khắc, hai khắc, rồi ba khắc trôi qua, cuối cùng Fujiwara kêu khẽ một tiếng “Lên!”.
Chỉ thấy một vùng hào quang lóe lên rồi tiếng thân người đổ xuống, thậm chí không có tiếng kêu.
Bốn samurai đều trúng kiếm chết ngay tại chỗ, kẻ bị thủng bụng kẻ bị đâm ngang yết hầu. Benkei bị kiếm của Fujiwara chém xả từ trên vai xuống lòi cả xương trắng, máu tuôn xối xả. Fujiwara bị thương nhẹ nhất, hắn bị cắt mất một bên tai.
Hai người còn lại vẫn cầm vũ khí nhìn chằm chặp vào nhau, chỉ chờ cơ hội xuất chiêu.
Bỗng Benkei cất tiếng nói:
– Fujiwara-san, dừng tay! Ta có câu chuyện này muốn nói với nhà ngươi!
-Hãy cứ nói! Fujiwara vẫn lăm lăm cây kiếm tati.
-Nếu thêm một chiêu nữa thôi ta e cũng khó sống sót được, còn ngươi cũng thế, chưa kể là dù có sống được mà bị thêm một đao của ta thì ngươi cũng chả có sức nữa mà xuống núi. Ta muốn ban cho ngươi một món quà vô giá, đó là thanh đao naginata Iwatoshi của ta, thứ quý giá nhất mà ta có bây giờ. Thanh đao quý cũng có cuộc sống, có linh hồn như con người vậy, ta không nỡ để nó rơi lăn lóc xuống vực sâu hay mòn gỉ ở sườn núi này. Kiếp này ngươi cứ giữ gìn nó, còn trong kiếp sau có lẽ ta sẽ lại tìm lại được nó, người bạn trung thành Iwatoshi của ta. Với một điều kiện: hãy để ta trèo tiếp lên đỉnh núi, từ đây lên đến đấy cũng không còn xa nữa! Ta sẽ không thực hiện seppuku như Ngài Minamoto no Yoshitsune năm xưa. Ta sẽ chết trên đỉnh núi Phú Sĩ!
Fujiwara gật đầu đồng ý, quỳ xuống nhận từ tay Benkei thanh đao quý đã được tra vào vỏ. Hắn không quên rạp người lạy Benkei đủ ba lạy rồi mới từ từ xuống núi. Benkei cũng rời tảng đá, bắt đầu cuộc hành trình lên đỉnh núi của mình sau khi tìm mấy nắm lá rừng để nhai rồi rịt tạm vết thương. Vẫn chưa cầm hẳn được máu, Benkei vẫn lê bước đi lên, vệt máu cứ kéo dài phía sau, trên trời mấy con đại bàng đã bắt đầu lượn xoay vòng chờ con mồi…
Từ đó không ai còn thấy Benkey nữa. Dân đi rừng thì theo vết máu lên tận đỉnh núi, nhưng không thấy xác hay xương cốt của ông. Họ kháo nhau ông đã ngã xuống miệng núi lửa, hay đã được Thần Lửa phun lửa thiêu ông thành tro cốt rồi theo gió cuốn bay đi khắp núi rừng. Nhiều thế kỷ sau vẫn có những nhà sư yamabushi khẳng định rằng Ngài Benkei đã lên đến đỉnh núi Phú Sĩ, rồi đã bay lên trời, như con phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn. Như tổ sư của ông, Ngài En No Gyoja đã bay lên rồi trở thành vị Bồ Tát. Còn Benkei thì có lẽ đã trở thành Phật, ngay khi còn đang lê những bước cuối cùng để lên đỉnh núi Phú Sĩ…
Đi, đi mãi
Dầu có ngã trên đường
Cánh đồng hoa thu
Ghi chú: các nhân vật ở đây đều có thật trong lịch sử Nhật Bản, nhưng đều được phủ lên bởi những câu chuyện huyền thoại. Tăng binh Benkei (Biện Khánh) được cho là sống giữa thế kỷ 12. Và đây là một câu chuyện huyền thoại nữa, được viết từ thế kỷ 21. Thơ và ảnh sưu tầm.
Bình luận Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *