BHUTAN-NƠI CHỈ CÓ YÊU THƯƠNG

BHUTAN-NƠI CHỈ CÓ YÊU THƯƠNG
Đã quá trưa mà đoàn người này mới bắt đầu lên núi. Gọi là đoàn nhưng thực chất chỉ có năm người, ông trưởng đoàn và hai cô hướng dẫn viên du lịch là người bản xứ, còn hai người nước ngoài gồm Thomas (người Đức) và Mai (Việt Nam). Những đoàn du khách đang lục tục đi xuống rồi, hướng dẫn viên chào nhau và bảo rằng đừng đi nữa, chưa lên đến nơi thì thiền viện đóng cửa rồi, mất công. Trưởng đoàn dịch lại, nhưng Mai kiên quyết đề nghị cứ đi, mặc kệ du khách đi xuống cứ cười và trêu đoàn của cô phí công toi, chỉ lên ngắm cảnh được thôi! Cô không thể đến Bhutan hơn chục ngày mà lại không ghé thăm Hổ Huyệt Tự hay Thiền viện Taktshang Goemba.
Mai làm việc cho một tổ chức từ thiện quốc tế, nơi Thomas là một trong những lãnh đạo cao nhất, và lần đầu tiên gặp nhau ở Việt Nam cô đã được tổ chức giao nhiệm vụ dẫn ông sếp châu Âu này đi ăn chay, vì đơn giản cả Thomas, cả Mai đều là những người ăn chay chặt chẽ (vegan-người không ăn và dùng bất cứ sản phẩm nào có nguồn gốc động vật)! Chính vì thế khi Thomas được Quốc vương Bhutan mời đích danh sang dự hội nghị nhằm vinh danh các nhà từ thiện đã có nhiều công trạng đối với Vương quốc Bhutan, thì ông đã đề nghị tổ chức cho phép Mai sang cùng, như một lời cảm ơn đối với cô gái Việt Nam đã giúp ông rất nhiều…
Chuyến đi đã gần kết thúc, và vô cùng hữu ích đối với Mai về mặt Phật pháp cũng như tính chất công việc. Mai được theo đoàn đi từ Đông sang Tây đất nước Bhutan, dự rất nhiều cuộc họp với lãnh đạo và dân địa phương, và thường những buổi gặp này diễn ra ngay tại chùa chính của địa phương đó, “Dzong” là một dạng chùa, cũng là “ủy ban nhân dân” hay “tòa thị chính” luôn, nhưng ở đất Phật này là vậy, và do đó cô cũng thăm được rất nhiều chùa. Mai cũng rất nhanh chóng hòa nhập với nếp sống nơi đây, nơi đa số người dân rất sùng tín Phật pháp, sống “chậm” hết mức có thể, không bao giờ có sự bon chen (trừ những nơi có người Ấn Độ xuất hiện- họ cũng ở khắp nơi, và “làm kinh tế” hăng hái lắm, chứ không như người địa phương) và vô cùng yêu cũng như có ý thức bảo vệ thiên nhiên. Chỉ có điều chuyến đi này dành cho những người đã sống và làm việc nhiều ở Bhutan, nên không có kế hoạch thăm Taktshang Goemba, nên Mai “bắt” sếp của mình phải đưa cô đi bằng được hôm nay, chứ sáng sớm mai họ đã phải bay khỏi thủ đô Thimphu. Và thế là sau cuộc họp cuối cùng với Bộ Nông nghiệp Bhutan Thomas cùng với hai người hướng dẫn viên (theo tiêu chuẩn của họ, mỗi đại biểu đi đâu cũng được một hướng dẫn viên đi kèm) đưa Mai đến miền đất Phật, và đích thân Giám đốc công ty du lịch xung phong dẫn khách quý đi, vừa đủ một ô tô.
Sangay-tên ông chủ công ty du lịch này-lớn lên đã là một đứa trẻ mồ côi, nhà chùa nuôi anh ta từ tấm bé và đặt cho cái tên này, có nghĩa là “Tiểu Phật”. Chính Thomas đã phụ trách chương trình viện trợ giáo dục cho hàng nghìn trẻ em sống tại chùa từ nhỏ, và ông đã biết “Tiểu Phật” gần hai chục năm nay, Sangay đối với ông cũng như học trò đối với người thày, người cha vậy. Thế nên cả gần chục ngày nay Sangay theo sát đoàn để giúp đỡ Thomas và Mai mọi mặt, mặc dù chế độ chăm sóc đã rất chu đáo, và tiếng Anh ở Bhutan đủ để đi khắp đất nước (trẻ con từ bé học song ngữ)! Mai đùa rằng có “Tiểu Phật” đi cùng thì thể nào cô cũng lên được tới động của Phật-Tiger Nest- bất chấp sức khỏe yếu vì ăn chay từ quá bé cũng như bệnh sợ độ cao cố hữu của mình (chính vì thế đáng nhẽ có thể thuê ngựa, la để cưỡi lên núi, thì tất cả phải theo cô đi bộ, bởi vì ngay ngồi trên la cô lại càng chóng mặt, sợ ngã…).
Taktshang Goemba (người nước ngoài hay gọi là Tiger Nest-Hổ huyệt tự-“hang hổ”là mật thất tu hành của Guru Rinpoche-người tu hành có năng lực mạnh như hổ theo truyền thuyết). Guru Rinpoche-Đức Phật hóa thân (Đức Liên Hoa Sinh)-người mà toàn dân Bhutan gọi thành kính là “Guru”, người đã mang đạo Kim Cang Thừa đến đất Bhutan-đã cưỡi hổ bay đến hang Paro này và lập thất, thiền trong ba tháng. Từ chân núi lên đến Tiger Nest cũng cao gần như từ dưới lên tới chùa Đồng ở Yên Tử, nhưng toàn đường đất nhô lên rồi trụt xuống-người Bhutan tuyệt đối không dùng gạch đá, bê tông, xi măng…để làm đường, vì không muốn động chạm tới thiên nhiên, nên đi vô cùng mệt, đặc biệt đối với Mai. Đi cuối đoàn, Thomas lẳng lặng nghe “Tiểu Phật” kể chuyện về Guru cho Mai quên bớt mệt, ông thầm cảm phục cô gái Việt với quyết tâm sắt đá này, và thầm lo không biết cô có đủ sức xuống không, vì đã lên đây nhiều lần, ông biết đi thế này chỉ ngắm cảnh được thôi, chứ động đã đóng cửa rồi!
Đã quá rằm tháng giêng, trời vẫn còn rất lạnh nhưng tuyết đã gần hết rồi, chỉ còn đọng trên những cành cây, tảng đá, và có những thác nước nhỏ vẫn còn đóng băng nguyên trạng, cảnh vật đẹp tuyệt vời nhưng thấy bước đi của Mai ngày một nặng nhọc, ông chỉ còn cách bảo cô: “hãy niệm tên Ngài Guru và em sẽ đến đích” và niệm Phật cùng cô…
Trời chiều chạng vạng, nhìn lên dãy núi phía trước cùng với mây mờ mỗi người sẽ nhìn thấy, cảm thấy những hình ảnh khác nhau, và theo truyền tụng của người Bhutan thì càng sùng kính, ta càng dễ thấy Phật. Mai thấy rất rõ cả dãy núi mang dáng vẻ của một ông voi khổng lồ, và tại nơi là cái mắt voi, rõ ràng có hình bóng của Guru ngồi vắt vẻo tại đó. Nhưng khi Mai hỏi hai cô gái hướng dẫn viên, thì mỗi người lại thấy một cảnh khác nhau! Họ dặn Mai: trên động có một tảng đá có vết tay của Guru, đến nơi phải đặt ngón tay vào đó và ước nguyện mấy điều, đều sẽ được linh nghiệm. Nhưng đi lên mệt thế này, thì đến nơi không ai, kể cả dân bản xứ, cũng không nhớ sẵn được những điều ước đã “chuẩn bị” sẵn, hãy cứ để những ý nghĩ đầu tiên bất chợt nảy ra là điều ước của mình! Gần tối, đoàn mới leo tới đỉnh Taktshang Goemba…
Mai được nhường đặt ngón tay vào vết tay Guru đầu tiên, và ba điều ước nảy ra trong đầu cô là:
-xin cho bố mẹ được mạnh khỏe lâu dài
-xin cho một thành viên trong gia đình khỏi được bệnh nan y
-xin cho người em trai út đang làm ăn bên Trung Quốc về với bố mẹ, vì các cụ rất lo cho nó và rất thương nhớ cậu em này!
Thomas cũng như mọi người, cũng đặt ngón tay vào vết đó và ước điều gì chỉ mình ông ta biết…
Mai quỳ trước cửa động giờ này đã đóng, và niệm tên Đức Liên Hoa Sinh, cô nguyện nếu được vào động nơi đất Phật thì “sẽ dành toàn bộ những năm còn lại của cuộc đời, nếu con có thể làm được gì thì xin Thày chỉ cho con biết đường đi để con đi đến cùng, làm tất cả những gì con có thể làm cho tất cả mọi người!”
Trong lúc Mai lầm rầm cầu nguyện, thì “Tiểu Phật” đứng nói chuyện với tay công an trung niên đứng gác cửa động. “Tiểu Phật” kể chuyện hôm nay phải tự dẫn quý khách lên đây, bởi có người thày đã giúp đỡ, cưu mang anh ta từ bé trong chùa, và hàng nghìn trẻ con khác nữa. Trong đầu người dân Bhutan không bao giờ có ý định xin xỏ hay “đút lót”, kể cả những “doanh nhân thành đạt” như Sangay (ví dụ là Sangay mua được miếng đất rất to ở Thủ đô và thừa tiền để xây cả khu đất ấy thành một khách sạn bề thế, thế nhưng anh chàng nhất quyết chỉ chọn phương án thiết kế xây nửa đất thôi, còn lại để trồng cây, trồng hoa, chỉ vì như thế đẹp hơn-mặc dù Thomas hay Mai thuyết phục ngược lại suốt cả chục ngày nay!). Người công an rơm rớm nước mắt, ông ta kể vì bản thân rất tín tâm, ông muốn gần với Đức Phật hơn nên chuyên xin gác những khóa đêm, và gác hộ thêm cả cho đồng nghiệp khác, cũng chỉ mong chóng về hưu sẽ lên hẳn đây để phục vụ thiền viện của Guru! Và vì cảm phục những công lao của Thomas đối với trẻ em Bhutan, ông ấy quyết định mở cửa cho tất cả vào động, đi đến Cửa Vàng của mật thất, tất nhiên không quên đề nghị tất cả phải tuân thủ như mọi khi, là không được chụp ảnh!
Thế là ước mơ của Mai thành hiện thực, cô cảm thấy vinh hạnh vô bờ! Khi đoàn rời động thì trăng tròn đã chiếu sáng vành vạnh, cảnh vật tĩnh lặng tuyệt đối, đêm rất lạnh! Khi đi xuống, bệnh sợ độ cao của Mai càng phát tác mạnh, cô không thể đi, thậm chí không thở mạnh được, hết hai cô hướng dẫn viên lại đến “Tiểu Phật” và Thomas phải xốc nách cô đi, điều duy nhất cô còn làm được là cầu cứu Guru trong tâm tưởng. Rồi cô bỗng thấy không xa, trên một tảng đá, Thầy-Đức Liên Hoa Sinh ngồi chống cằm lên đầu gối một chân co, một chân duỗi, đang nheo mắt cười nhạo cô, xung quanh Guru là cả một vầng trắng sáng lóa! Cô bảo mọi người hãy để cô đứng lại lạy Ngài, cô chỉ cho Thomas và “Tiểu Phật” chỗ Ngài ngồi, nhưng họ thì không nhìn thấy ai. Họ không dám cười cô, mặc dù cô bảo họ là cô hoàn toàn bình thường, chẳng lẽ họ lại nghĩ cô đang bị ảo ảnh à?(mà họ nghĩ Mai bị thế thật, nên càng xốc cô đi). Hai cô gái đã xuống trước một đoạn khá xa, thì bất chợt ba người còn lại trông thấy một thanh niên đang ngồi trên mỏm đá ngước lên trời ngắm trăng…Người thanh niên chợt nói với “Tiểu Phật” bằng tiếng địa phương: “này ba người, cô gái này mệt nặng lắm rồi, các người có muốn uống chút trà nóng không?”. Cả ba cùng muốn uống, thanh niên bảo tất cả đứng đấy chờ, đừng đi đâu, anh ta quay lại ngay, nói rồi đi khuất luôn vào rừng. Chờ mãi, chờ mãi không thấy người quay lại, Thomas đề nghị đi tiếp, nhưng “Tiểu Phật” nhất quyết bảo phải chờ. Sangay bảo vùng này làm gì có dân cư, lại càng không có nhà cửa, làm gì có ai có trà nóng, nhưng Bhutan tuyệt đối an toàn, ta cứ chờ, sẽ có kỳ tích xuất hiện! Và quả thật chàng trai kia quay lại, mang một bình trà ấm, chia cho ba người uống, rồi niệm Phật, lại mang bình trà đi vào rừng. Chẳng phải ai bảo ai, cả ba người biết đó là hiện thân của Đức Phật! Và điều kỳ diệu xảy ra, tự nhiên Mai cảm thấy phấn khích vô cùng, cô tự đi băng băng xuống núi, như đi trong một giấc mơ êm dịu, không chỉ đi mà còn nói chuyện huyên thuyên không dứt với cả bốn người-vâng, cô đã đuổi kịp cả hai cô hướng dẫn viên đi trước kia và xuống núi an toàn!
Chuyến đi Thiền viện Taktshang Goemba này cả năm người không bao giờ quên, nhất là Mai. Cả ba điều ước của cô đã thành hiện thực: chỉ trong tuần đó người em trai bỏ Trung Quốc về Việt Nam, nay lấy vợ ở hẳn với bố mẹ; trong vòng nửa năm sau người nhà bị bạo bệnh của cô đã tìm ra phương thuốc chữ khỏi hẳn, và cho đến nay bố mẹ cô vẫn khỏe mạnh, an lành! Cô đang thực hiện ước nguyện lớn mà cô đã nguyện trước cửa động Phật: làm từ thiện cho đến cuối đời! Thomas cũng đã thực hiện được điều ước của mình (hóa ra “chàng” ước sẽ được gắn chặt đời mình với cô bé bướng bỉnh này, và nay vợ chồng họ vẫn đang sống với nhau hạnh phúc). “Tiểu Phật” đã xây xong khách sạn của mình ở thủ đô, tất nhiên theo phương án “đẹp” tức là chừa nửa đất lại để trồng hoa, trồng cây…
P.S. Tôi có lẽ cũng không tin được vào câu chuyện cổ tích này, nếu không phải là người quen của hai nhân vật chính và nhiều lần được nghe kể về chuyến đi định mệnh của họ về đất Phật. Và tôi sắp quen được nhân vật thứ ba-“Tiểu Phật”-anh ta sẽ sang Việt Nam sau Tết Ta năm nay. Sangay sang thăm vợ chồng Mai (họ sống và làm việc ở nhiều nước nhưng Tết âm lịch hay đón ở Việt Nam), và khi quay về anh sẽ đưa một đoàn khách du lịch Việt sang Bhutan-nơi chỉ có an bình và yêu thương-và tôi cũng sẽ thực hiện được ước mơ mấy năm nay của mình: tôi cũng sẽ đi theo đoàn đấy, cùng với vợ chồng Mai và một số người bạn nữa, chúng tôi đã hẹn mà chưa đi được. Để xem lần này Thiền viện Taktshang Goemba có mang lại cho tôi điều may mắn nào không…
Bình luận Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *