CÂU CHUYỆN XỨ BA TƯ

“Báng bổ-đó là sự từ chối đối thoại với Chúa Trời…”

 

Từ nửa năm trước Thầy tôi có bảo rằng không chỉ những tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ đến thăm chúng ta, mà còn đại diện của các tôn giáo khác nữa, từ những xứ xở rất xa xôi. Và sẽ có những giáo dân Hồi giáo tới đây, chính tôi sẽ là người đưa họ tới. Quả thật lúc nghe Thầy nói tôi chưa hình dung ra là sẽ mời ai, như thế nào để đến với Thầy, mặc dù vẫn biết đạo Hồi là tôn giáo đông thứ hai trên thế giới. Tôi có bạch lại với Thầy như vậy, thì Thầy nói rằng đã nhìn thấy họ rồi, họ sẽ được dẫn dắt bởi thần linh của họ và cứ yên tâm là tự họ sẽ tìm ra tôi…

 

Thế rồi một anh bạn giới thiệu đối tác làm ăn đến từ Iran-lập tức tôi nhớ lại câu chuyện Thầy đã nói. Lúc đầu là giao dịch qua thư từ, tôi chỉ mời họ khi đến Việt Nam thì qua công ty tôi làm việc chứ chưa dám đả động gì đến chủ đề tâm linh. Dù có nghiên cứu trước một chút về đạo Hồi nói chung và đạo Hồi ở Iran nói riêng nhưng quả là chưa đủ tự tin nói chuyện tâm linh, bởi cứ nghĩ đạo Hồi khắt khe, cứng nhắc và nói chuyện về tôn giáo khác với họ có thể phạm thượng hay thất lễ chăng?

 

(Đạo Hồi cũng như Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo đều là tôn giáo khởi nguồn từ Abraham với Kinh thánh Hebrơ-các tôn giáo này đều có cùng nguồn gốc, chỉ có một số khác biệt, quan trọng nhất là cùng một hệ thống nhất thần nhưng giáo lý Hồi giáo không chịu ảnh hưởng tư tưởng của Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo, trong đạo Hồi họ tin rằng Hồi giáo là sự tiếp nối và thay thế cho hai tôn giáo trên. Kitô giáo nhìn nhận Chúa Giê-xu, là Đấng Messiah mà người Do Thái mong đợi, là Con Thiên Chúa, và là một thân vị trong Ba Ngôi. Hồi giáo nhìn nhận Chúa Giê-su và các nhà tiên tri Do Thái sau Abraham (như Moses) là được Thiên Chúa soi dẫn, nhưng họ xem Muhamad (người sáng lập Hồi giáo) là nhà tiên tri sau cùng. Còn Allah là tiếng Ả Rập dùng để gọi Thiên Chúa. Allah – danh từ tiêu chuẩn trong tiếng Ả Rập để chỉ định Thượng đế. Tại châu Âu, châu Mỹ, Đông Á, Nam Á danh từ Allah được phần đông coi là dành riêng cho tín đồ Islam. Tuy nhiên, tại các xứ nói tiếng Ả Rập, tín đồ Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo cũng gọi Đức Chúa Trời là Allah. Dân Việt Nam biết đến đạo Hồi ở Iran có lẽ từ hồi “giáo chủ Khơ-mê-ni” và cách mạng Hồi giáo 1979, có tới 98% dân số theo đạo Hồi, tuy vậy tại đất nước này các quy tắc đạo Hồi không quá hà khắc như ở một số đất nước khác, chính quyền được bầu chọn theo cách khá dân chủ và một số ít dân Iran vẫn theo Hỏa giáo – một tôn giáo cổ xưa xuất xứ từ chính đất Ba-tư).

 

núi cao nhất Iran

 

Họ qua Việt Nam và đã đi thăm thú một vài nơi, kể cả tới vài đền chùa – tôi nghe kể và cũng thấy thoải mái hơn rồi, tuy vậy vẫn cứ lưỡng lự chả biết có nên nói chuyện Phật giáo với họ không. Hôm họ đến thăm công ty tôi cả công ty đón tiếp, đàm phán về công việc, Thầy chỉ ngồi bên phòng để viết Pháp. Họ tới gồm hai vợ chồng trưởng đoàn và ba người thành viên nữa – trông người đàn bà mặc quần áo đội khăn đen từ đầu đến chân quả là toát ra vẻ sùng kính, thế nên suốt cuộc gặp chúng tôi chỉ trao đổi về công việc – khá là cởi mở và thiện chí – nhưng tôi vẫn rất ái ngại chưa biết nên đề cập đến vấn đề tôn giáo như thế nào. Đến khoảng 4 giờ chiều tôi thấy người phụ nữ đội khăn đen có vẻ hơi sốt ruột, thế rồi người phiên dịch ghé tai tôi hỏi nhỏ:

 

-bạn ơi, chúng tôi dân Hồi giáo ngày nào cũng cần cầu kinh, như bọn tôi ngày cầu 2 lần buổi sáng sớm và tối là đủ rồi, nhưng vợ chồng ông trưởng đoàn tôi rất sùng đạo, mỗi ngày phải cầu kinh 5 lần cơ. Đến giờ rồi mà về khách sạn xa quá, các bạn có góc phòng nào yên tĩnh, có cửa sổ thì tốt, để họ cầu kinh một lát được không, mấy phút thôi?

 

Đang ở công ty lấy đâu ra phòng nào yên tĩnh đây? Tôi đắn đo một chút rồi mời hai vợ chồng trưởng đoàn đi theo mình sang phòng Pháp – ở đó thì yên tĩnh rồi nhưng Thầy đang viết Pháp, và không biết họ có thấy ái ngại khi thấy tượng Phật, ban thờ, rồi ảnh Chúa, ảnh Đức Mẹ… không? Họ vào phòng, yên lặng đi thẳng đến cửa sổ, không nhìn ngang nhìn dọc, hai vợ chồng cùng quỳ xuống làm lễ, họ lầm rầm đọc kinh rồi nhìn ra cửa sổ xong rập đầu xuống lạy mặt trời. Chỉ mấy phút thôi, ông chồng ra trước, bà vợ sùng đạo hơn còn quỳ thêm một lúc nữa, trong cả thời gian đó Thầy chỉ cười và lại tiếp tục viết Pháp.

 

 

Khi tôi đưa bà vợ ông trưởng đoàn quay lại phòng họp thì thấy mấy người Iran nhấp nhổm, bà trùm khăn đen này nói thêm mấy câu nữa với họ rồi người phiên dịch của họ nói với tôi:

 

-chúng tôi biết các bạn theo đạo Phật nhưng không biết trước là ở đây lại có Thầy (the Teacher) trong cái phòng pháp đó. Và ở đó có rất nhiều năng lượng tích cực! Chúng tôi nhờ anh xin phép để cho quay lại đó chào Thầy và nhận được một chút năng lượng đó được không? Xin lỗi là lúc nãy hai ông bà đoàn trưởng không nói gì với Thầy, đơn giản là họ không nói được tiếng Anh thôi…

 

Tuy vậy tôi vẫn tò mò:

 

-Chỗ đó là phòng Pháp – nơi thờ cúng linh thiêng của chúng tôi. Có cả tượng Phật, cả ảnh Thánh của Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria. Ông bà đoàn trưởng nhìn thấy rồi, có thể đoán được. Thế nhưng sao các bạn lại biết ở đó có năng lượng rất mạnh?

 

-Cái đó không biết giải thích thế nào, nhưng đa số chúng tôi ở đâu linh thiêng hay năng lượng mạnh chúng tôi đều biết được hết, không chỉ hai vợ chồng sùng đạo này đâu – người phiên dịch nhanh nhảu giải thích – Người Iran chúng tôi đa phần như thế đấy, xin nhớ là dân tộc chúng tôi đã có thế giới tâm linh nhiều nghìn năm trước công nguyên rồi!

 

Thế rồi tôi đưa cả năm người khách Iran sang phòng Pháp để chào Thầy. Họ vái Thầy, vái chào tượng Phật, ảnh Thánh… Thầy bảo tôi dịch cho họ:

 

-Đầu tiên Thầy cám ơn các bác vì đức tin đối với con người dương trần là Thầy. Sau đó. Ơn nhờ các đấng bề trên đã dẫn dắt đưa lối để ngày hôm nay Thầy gặp được các bác cùng sự tỏa bóng của các vị Thánh, Amen! Đằng sau người đàn bà này đang có năm vị thiện thần phù hộ cho bà, bà có biết không? Người đàn bà bảo tuy không biết chính xác nhưng trong đời bao giờ cũng có lòng tin rất mãnh liệt, và có lẽ trong những lúc khó khăn nhất bà đều có Thánh Thần nâng đỡ.

 

Thầy lại bảo:

 

-đang có Chúa Giê-su ở đây, Ngài cũng là một vị Thánh của đạo Hồi, và Ngài muốn ban phước cho các vị. Hãy lần lượt tới đây Ngài sẽ cho chữ Thánh lên bàn tay của các vị để gia hộ cho các người con từ xa tới đây. Trong lúc ta viết có ai muốn hỏi gì cứ việc nhé, chính Đức Chúa sẽ trả lời cho các vị!

 

 

 

 

 

Và thế là các bạn Iran lần lượt tới xin Thầy viết chữ Thánh để gia hộ cho họ tới Việt Nam sẽ gặp được mọi điều may mắn tốt lành. Tôi nhìn thì thấy chữ không giống chữ Thiên của Đức Phật như mọi khi Thầy vẫn viết lúc các Ngài về, chữ có nhiều nét khá giống chữ Ả Rập. Thế rồi Thầy cất tiếng hát Thánh ca, khách xin ghi âm lại vì họ bảo giống với những giai điệu trong nền tôn giáo cổ của họ.

 

 

Đoàn Iran xin Thầy ban phước lành cho họ, về cả cuộc đời, về gia đình, sự nghiệp… đang giáo hóa thì Thầy bảo tôi:

 

-Con hãy dịch là bây giờ là Đức Allah xuống ban phước cho họ nhé! Ngài nói phải gọi đúng là “Allah” chứ không được gọi là “Thánh Allah” đâu, sai đấy… (Những năm gần đây, một danh từ không mấy thích hợp thường được dùng trong tiếng Việt là Thánh A-la, tôi cũng đã từng bị nhầm lẫn như vậy!) Ta sẽ viết Sớ Lệnh Thiên của Allah cho các vị khách.

 

Nghe vậy cả năm người Iran quỳ xuống để lạy Allah. Tôi cũng vô cùng kinh ngạc vì chưa bao giờ được “thấy” Ngài về. Thầy bảo mọi người cứ ngồi lên bình thường, Allah sẽ gia hộ cho tất cả, và Ngài cũng cho Thầy biết là trong cảnh giới của Ngài thì Ngài đứng cao lắm, còn cao hơn Chúa Giê-su mười mấy bậc cơ. Ngài sẽ còn ngự tại nơi đây một tuần, để gia Pháp, để tiếp thêm nguồn năng lượng trong các tầng giới cho Thầy. Nơi đây đang có sự hiện diện của Đức Phật Bà Quán Thế Âm. (Và Thầy nói có những việc thuộc về “Thiên cơ bất khả lộ” – Thầy không kể lại cho tôi hay năm người khách Iran vì còn liên quan đến vận mệnh quốc gia, kiếp nạn của nhân loại… A Di Đà Phật!

 

 

Sau khi chào Thầy và xin phép chụp ảnh để ra về, những người khách Iran còn một ước muốn nữa, là trước hôm về nước họ xin quay lại một lần nữa, để mang quà tặng Thầy và xin Thầy được tiếp thêm năng lượng của các đấng bề trên. Cũng mong muốn Thầy ban phước lành cho những người thân yêu của họ ở tại đất nước Iran. Thầy mời họ quay lại, nhưng yêu cầu chỉ nhận quà tặng gì có liên quan đến chính tôn giáo của họ thôi…

 

Ngày hôm sau khi Thầy đang tiếp một Phật tử và tôi cũng có mặt, Thầy bảo vẫn có Đức Allah tỏa bóng ở đây. Một chốc sau thì lạ thay, Thầy thay đổi sắc diện, bảo với chúng tôi là có Ngài Bà La Môn (Brahmin) về để trả lời các câu hỏi và truyền năng lượng vũ trụ cho Phật tử, cũng như cho Phật tử mỗi người được có một ước nguyện sẽ thành sự thật. Phật tử này đang có mẹ ốm nặng, nên chỉ nguyện xin một điều cho người mẹ chóng bình phục…

 

Sau đó chúng tôi có nói lại với Thầy, rằng có chụp ảnh ghi âm khi Ngài Bà La Môn về, nhưng theo những gì chúng tôi được đọc, thì Bà La Môn là các vị lãnh tụ tôn giáo có thân thế rất cao ở trong Ấn Độ giáo, chứ thực sự bọn tôi không hiểu là sao có Ngài Bà La Môn lại về khi đang có Allah tỏa bóng ở đây? Thầy giải thích cho chúng tôi là mọi tôn giáo, mọi phân chia nguồn gốc, thứ bậc… mà chúng tôi biết đó là do lịch sử loài người để lại. Trong thế giới tâm linh đâu có cách phân chia như thế đâu, hãy nhận biết thế giới tâm linh đúng như những gì ta có duyên biết được, cảm nhận được thôi! Sẽ còn nữa những sự giao thoa như thế mà chúng tôi là những Phật tử phải luôn sẵn sàng mà thấu hiểu…

 

Ngày cuối trước khi về nước các vị khách Iran lại quay lại gặp Thầy như họ đã xin phép từ mấy hôm trước. Họ rất xin lỗi rằng sang Việt Nam với mục đích công việc nên không mang theo những quà kỷ niệm liên quan đến đạo Hồi, do đó sẽ gửi sang tặng Thầy sau. Thầy bảo mọi chuyện tùy duyên thôi, để Thầy truyền cho họ năng lượng và sẽ nói những bệnh nào họ đang hay sẽ có để mà khám chữa khi về nhà. Thầy bảo họ nếu có gặp khó khăn trắc trở gì cứ báo với tôi, rồi tôi sẽ báo lại với Thầy, Thầy sẽ giúp được họ từ xa, không phải lặn lội sang đây nhiều làm gì, tuy vậy những người khách Iran bảo chắc chắn họ sẽ còn quay lại Việt Nam, và sẽ còn xin gặp Thầy…

 

Những lúc có Đức Allah tỏa bóng ở đây Thầy chuyển sang viết chữ Thánh lên tay của các vị khách Iran bằng tay trái, chỉ với một ngón cái và một ngón bất kỳ còn lại, thực sự làm những người khách không thể tin được vào mắt mình…

 

 

 

 

 

Mấy ngày sau tôi nhận được một món quà từ những người bạn Iran. Đó là một cuốn Kinh Qur`an có cả tiếng Ả Rập lẫn tiếng Việt, cùng lời giải thích rằng đối với các tín đồ Hồi giáo, Thiên Kinh Qur’an là một vật linh thiêng, vì đó chính là lời phán của Allah Đấng Toàn Năng. Đạo Hồi chỉ có duy nhất một quyển thiên kinh Qur’an. Giống như người Do Thái giáo, người Hồi giáo xem bản văn tiếng Ả Rập của Kinh Qur’an là thánh cho đến từng câu chữ, nhưng để tặng Thầy với các Phật tử Việt Nam họ tặng bản có cả tiếng Việt, đối với họ không còn tặng vật gì linh thiêng hơn nữa! Và mới đây chúng tôi lại nhận được thư thăm hỏi của người phiên dịch viết thay cho cả đoàn. Từ xứ sở Ba Tư xa xôi họ chúc mừng Thầy, chúc mừng chúng tôi với tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, và báo rằng những việc Thầy đã báo trước cho họ đang ứng nghiệm…

 

 

 

Đôi điều tâm sự: Tôi đến với Phật pháp khá muộn, khi bắt đầu có hai thứ tóc trên đầu. Như lời Phật dạy có rất nhiều tôn giáo khác nhau. Ngay trong Phật giáo cũng có rất nhiều cách Tu hành khác nhau. Đúng hơn là đường Tu của mỗi một Phật tử lại một khác. Nếu nhớ lại con đường Tu hành của Đức Phật – từ một Thái Tử sống trong nhung lụa giàu sang quyền quý. Ngài sẵn sàng từ bỏ hết để trở thành kẻ khất thực đi lang thang trong nóng nực, lạnh lẽo, như người bất định trong sương gió. Đầu đội trời, chân đạp đất, không giày dép mũ nón, chỉ một mảnh vải che thân, không nhà không cửa, lấy bóng cây hang đá là nhà để tránh nắng che mưa, trú dông bão tố, mang bát đi khất thực để sống… thì quả là Tu hành như tôi trong thế kỷ 21 này không có lấy một chút khổ hạnh nào! Có Duyên tới đâu thì học đến đấy. Tôi luôn lắng nghe lời Phật dạy có thể đến từ bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, như Phật dạy là suy niệm bởi chính mình. Tôi biết rõ những gì ít ỏi mình vừa học được, còn những điều chưa tỏ tường thì còn quá mênh mông. Rất nhiều Phật tử giỏi giang đã giúp Tôi tìm hiểu, nghiên cứu về Phật giáo. Cũng như biết bao người không có được Đức Tin như vậy vào Đức Phật nhưng qua họ tôi lại càng thấy mình phải tín tâm hơn nữa trong đời mạt pháp này. Trong sự học Phật của mình tôi dần dần được biết tới một thế giới Tâm Linh huyền diệu. Nhờ đó tôi luôn có cảm giác đang cùng tay nắm tay với rất nhiều người bạn đang ở những vùng, miền đất xa. Với những tôn giáo cũng vô cùng khác biệt, thậm chí ở những phương trời xa lạ mà tôi từng chưa có dịp đặt chân tới hoặc họ còn chưa bao giờ gặp tôi. Với những ai có Duyên với Tôi trong cuộc đời này nhất định Tôi sẽ được gặp họ. Tôi cũng cảm thấy như luôn được nắm tay những Phật tử có cùng những cảm nhận Tâm Linh như Tôi, giỏi hơn Tôi. Mỗi người chính là một Địa Linh, Địa Mạch của Tổ quốc này. Chính nhờ Đức Tin vào Phật Pháp và trái tim nhân hậu của họ đã giúp làm xoay chuyển tai họa biển miền Trung nước ta hay hạn hán miền Tây đã giảm thiểu đi nhiều. Một lời nói cũng xuất phát từ Trái Tim. Từ chính cảm nhận của tâm hồn Tôi về Phật Pháp. Xin được cảm ơn! Câu nói cảm ơn này chưa đủ nhưng tôi cũng xin được nói. Biết ơn vô cùng những người bạn của tôi. Họ đến từ phương Nam đầy nắng. Họ đã mang nắng ấm từ vùng đất của họ cùng với hơi ấm tình người, Trái Tim nhân hậu chung tay cùng tôi thực hiện Sứ Mệnh thiêng liêng với bách gia. Dẫu cho dương gian, họ vẫn còn vướng vào rất nhiều vất vả, gian truân.

 

Sứ mệnh chẳng có gì là cao xa

 

Sứ mệnh ngự chính tâm hồn mỗi chúng ta…

 

Ghi chú: Câu chuyện và hình ảnh được ghi lại với sự đồng ý của các bạn khách Iran.

Bình luận Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *