ĐALAI LAMA 14, NHÀ TIÊN TRI VANGA VÀ NƯỚC NGA PHẦN 2 – SYRIA QUAN TRỌNG THẾ SAO?

Trong lịch sử hiện đại thì bà tiên tri Vanga hay Đức Đalai Lama là những nhân vật lỗi lạc và có hàng tỷ người muốn tham khảo ý kiến của họ về rất nhiều vấn đề. Và có thể nói hai vị này cũng khác nhau hoàn toàn, khác về mọi nhẽ! Bà Vanga thường nói đúng theo phong thái “tiên tri” tức là chuyện gì sẽ xảy đến, tuy rằng giọng bà khá khó nghe và bà thường không vất vả để giải thích cho người nghe vì sao, thế nào… nên nhiều việc đã xảy ra rồi người ta mới nhớ tới lời của bà và mới “ố”, “á” là sao bà nói đúng thế! Còn Đức Tenzin Gyatso thì là một người vô cùng uyên bác và luôn hiểu được tâm lý của người đối thoại, Ngài có thể nói về bất cứ chuyện gì và có rõ ràng hay không có lẽ phụ thuộc vào chủ ý của Ngài mà thôi. Tuy rằng khác nhau như thế nhưng tôi cũng cố thử theo dõi để tìm thấy được một số điểm chung trong chính kiến của hai vị này. Và đã gọi là “theo dõi” thì có lẽ sẽ khá chủ quan, hời hợt nhưng cứ nói ra thì rồi mới biết mình “hổng chân” ở chỗ nào mà tu sửa…
Cách đây đúng 25 năm, tức là 11/4/1993 cũng vào một ngày mưa như thế này người dân Kalmykia lần đầu tiên vận dụng quyền bầu cử tự do của mình để chọn ra người đứng đầu – vị Tổng thống đầu tiên (và duy nhất) của nước cộng hòa thảo nguyên Kalmykia là một nhân vật rất lạ lùng, Kirsan Ilyumzhinov khi đó mới 31 tuổi. Cái cách anh ta vận động bầu cử sau này rất nhiều người bắt chước, nhưng khi đó quả là độc nhất vô nhị: triệu phú trẻ đã kiếm được rất nhiều tiền ở thủ đô Moscow về quê tranh cử tuyên bố thẳng thừng “tổng thống giàu thì chính quyền không tham nhũng” và “tôi sống khỏe dù chẳng có nước cộng hòa, chứ nước cộng hòa thiếu tôi thì hỏng to!” – thật là phách lối nhưng nghĩ lại anh ta chẳng nói quá điều gì, và những điều anh nói thì dân thảo nguyên lại hiểu được ngay. Chưa kể các ban nhạc huyền thoại “Boney M” và “Máy thời gian” lần đầu biểu diễn ở một nơi có lẽ họ cũng chưa hình dung ra là ở đâu, cũng như hàng chuyến chuyên cơ chở toàn nghệ sỹ lớn về hát ủng hộ cho vận động bầu cử – tất cả cái đó là phù hợp với một khẩu hiệu nữa của Tổng thống trẻ – “Làm cho thế giới biết về Kalmykia!”. Anh ta đã làm được thật, khi đội bóng thảo nguyên thắng “Spartak”, khi Olympic cờ thế giới tổ chức ở City Chess, khi chùa lớn nhất châu Âu thờ Đức Phật Tổ được xây ở Elista, khi Đức Giáo chủ Chính thống giáo toàn Nga đến để khai trương các nhà thờ, khi Đức Đalai Lama 14 đến làm phép khai quang cho chùa… Và nhất là từ 1995 liên tục cho đến nay anh trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn cờ vua thế giới thì đúng là “thế giới đã biết về Kalmykia” – nhưng nhờ vào anh – Phật tử Badma là chính – bởi vì tất cả những điều đó tự anh bỏ tiền của, công sức ra làm cho quê nhà.
Đúng 25 năm sau từ Hà Nội xa xôi chàng thanh niên ngày nào nay tóc đã điểm hoa râm Kirsan gửi lời cảm ơn đến nhân dân Kalmykia:
Một phần tư thế kỷ nhìn lại Kirsan bảo rằng sẽ không làm bao nhiêu công việc đó nếu trong cuộc đời anh không xuất hiện hai nhân vật lịch sử. Đầu tiên là Đức Đalai Lama 14, được gặp Ngài lần đầu khi mới 29 tuổi cũng khá tình cờ, Đức Ngài đến thăm lần thứ tư năm 1991 khi Liên Xô đang tan rã, ban tổ chức nghĩ rằng tốt nhất nên đưa Ngài tới gửi gắm ở căn hộ tại Moscow của một Phật tử trẻ và là triệu phú mới nổi Kirsan. Được gần gũi với vị “Phật sống” hàng ngày quả là thỏa mong ước lớn lao của anh, tuy vậy mới sống qua thời Xô Viết nên anh đâu có hiểu mấy về nghi thức, lễ giáo nhà Phật đâu, còn ngài Tenzin Gyatso cũng chẳng coi nặng nhẹ chuyện ấy cho lắm. Ngài cũng cho bắt tay, cho ôm chào như người châu Âu bình thường, và thấy có cái gì cứng cứng trên ngực Kirsan cũng tò mò hỏi, hóa ra đó là huy hiệu của Đại biểu nhân dân. “Trẻ thế mà đã là dân biểu” – Ngài nhận xét, và thế là mấy buổi Kirsan cứ hóng được nghe chuyện Phật, còn Ngài lại muốn trao đổi về… chính trị! Ngài cho Kirsan một lời khuyên và một bài học đã làm thay đổi cuộc đời anh nhiều lắm. Khi đó anh định tâm sự rằng vì học ngoại giao nên định rẽ sang làm chính trị, nhưng chưa kịp nói ra thì Ngài đã dặn rằng: “Đúng đấy, cậu còn trẻ, nên xây dựng!”. Và thế là từ lời khuyên này sự nghiệp chính trị gia của Kirsan Ilyumzhinov bắt đầu từ năm đó…
Một bài học nữa mà Ngài đã dạy anh từ khi đó: Kirsan tâm sự bây giờ còn trẻ, có tiền rồi muốn sang Mỹ sống, nhà cửa mua rồi… Nhìn bức ảnh căn biệt thự ở Beverly Hillls Ngài nói: “Hãy nghe ta, Kirsan yêu quý, không được quen với bất cứ điều gì, bất cứ đồ vật đẹp đẽ nào. Không được có thói quen!”. Có lẽ vì thế mà từ đó Kirsan bắt đầu cảm nhận được rằng mọi thứ của cải đều là vật ngoại thân…
Nhưng có lẽ việc Kirsan trở thành tổng thống có sự can thiệp nhiều hơn của bà Vanga. Nhà tiên tri mù này năm 1992 nhờ họ hàng từ Bulgary sang Nga để mời “tổng thống trẻ” sang gặp mình – họ nhờ sứ quán Bun ở Moscow liên hệ và sứ quán mời Kirsan đến để thuyết phục anh sang gặp bà – anh chưa phải là tổng thống nhưng 30 tuổi đã là chủ tịch hiệp hội doanh nhân trẻ của Nga và chủ tịch tập đoàn SAN – mà tiếng Xlavơ thì “tổng thống” hay “chủ tịch” cùng là một từ đồng âm. Còn anh cũng rất tò mò, và đang lưỡng lự giữa việc sẽ chuyển sang Mỹ hay Thụy Sỹ để sống lâu dài, và thế là nhất trí sang gặp bà Vanga, đấy là lần đầu tiên. Ngay lập tức bà đã coi Kirsan như đứa cháu, còn Kirsan cũng cảm thấy vô cùng gần gũi, bà bảo anh sẽ thành Tổng thống để đẫn dắt dân tộc mình (và thế là mộng lập nghiệp ở nước ngoài tan thành mây khói), không những thế sau đó ít lâu bà còn bảo “Ta trông thấy 2 Tổng thống!” – điều rất lạ lùng đối với tất cả mọi người! Nhưng quả nhiên 4/1993 anh trở thành Tổng thống nước cộng hòa Kalmykia trẻ nhất tại Nga và càng lạ lùng hơn nữa 1995 Đại hội đồng Liên đoàn Cờ vua thế giới tại Paris bầu chọn anh làm Chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử – và cuộc gọi chúc mừng đầu tiên anh nhận được là từ bà Vanga! (Tổng thống hay Chủ tịch trong tiếng Xlavơ đều là “President”).
Bằng một cách lạ lùng như vậy tự nhiên Kirsan trở thành người thân cận, như con cháu hay học trò của hai vị đều là những huyền thoại sống của thời hiện đại. Khoảng 40 lần sau đó anh còn đến thăm và tham vấn ý kiến bà Vanga và còn đến nhiều lần sau khi bà mất năm 1996, còn với Đức Đalai Lama anh gặp gỡ nhiều lần lắm, anh có thể tới gặp Ngài bất cứ ở đâu và lúc nào. Anh đã dẫn rất nhiều VIP của Nga tới Dharamshala, thậm chí cả các giám mục đạo Chính thống giáo, từ khi đường xá tới đó còn khó đi vô cùng, chứ không dễ như sau này khi rất nhiều ngôi sao Hollywood như Richard Gere, Steven Seagal, Sharon Stone… rồi các chính khách, tỷ phú toàn thế giới tìm đường đến nơi Ngài sống nơi đất khách Ấn Độ. Có thể hai vị này đã nhìn thấy cái gì đó ở nơi anh, nhưng chắc đó không phải vì anh là người Nga, bởi vì hai vị này đều rất có cảm tình với đất nước Nga từ trước đó rồi!
Ngoài người Bulgary thì người đến thăm viếng nhà tiên tri Vanga nhiều nhất có lẽ là người Nga, và bà luôn nói về đất nước này rất kính trọng, bởi theo bà “ở Nga có rất nhiều địa điểm thiêng liêng. Có một cái đồi gần sông Đông, ở đó cần đi chân đất để cảm nhận được ảnh hưởng rất mạnh của nó. Có cỏ cây kỳ lạ mọc và có một dòng suối thần kỳ có thể chữa được bệnh. Ở đó đã 3 lần xuất hiện Thánh Sergi, Ngài đều làm phép và dựng cây thánh giá tại đây…” Bà coi Thánh Sergi như một vị nắm linh hồn Nhà thờ của Nga, cứu giúp dân lành, chiếu rọi ánh sáng lên mặt đất và là Nhà tiên tri lớn nhất. Bà nói câu chuyện này năm 1979 (miêu tả giống hệt bức tranh của họa sỹ Nikolai Rerikh!) thì đến năm 1984 người ta khai quật được ở gần sông Đông một thành trì bị vùi lấp rất giống theo miêu tả của bà… Theo lời của Vanga thì Nga là nước mẹ, nơi loài người sẽ tìm thấy sự cứu rỗi của mình.
Đalai Lama cũng rất kính trọng và chú trọng tới dân tộc Nga, không phải chỉ vì ở đấy Ngài có vài triệu Phật tử luôn hết lòng kính trọng Ngài. Ông coi nước Nga có vị trí địa lý lý tưởng, “là cây cầu nối giữa châu Á và châu Âu”, có đủ khả năng để thay đổi thế giới cũng như con người Nga có những đức tính cần thiết có thể biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn, hy vọng nước Nga sẽ là đất nước dẫn đầu về tinh thần:
Trong quan hệ giữa hai vị “huyền thoại sống” này đối với nước Nga và chính phủ Nga Kirsan Ilyumzhinov giữ một vai trò tuy không bao giờ chính thức nhưng lại rất quan trọng. Khi biết anh có thể tới gặp bà Vanga bất cứ lúc nào Tổng thống đầu tiên của Nga Boris Yeltsin đã nhờ anh sang hỏi về vận mệnh của đất nước và ngay cả sinh mệnh chính trị của mình nhiều lần. Vanga dự báo trước chiến thắng vất vả của Yeltsin năm 1996. Bà muốn Yeltsin sang gặp mình, hoặc tặng cho mình cái đồng hồ đeo tay (để làm phép giúp ông) nhưng Yeltsin từ chối, cũng như Breznhev và Gorbachev trước kia, tuy vậy cũng rất lắng nghe những lời dặn của bà (thậm chí nếu không có Vanga thì Yeltsin có thể đã “buông” mà không tham gia tranh cử nhiệm kỳ 1996 nữa vì đang yếu thế!). Và bà đoán đúng là Yeltsin sẽ bị bệnh tim rất nặng, nhưng rồi bà lại lìa đời trước vị Tổng thống mà bà khá ngưỡng mộ này.
Đalai Lama 14 tới Nga vài lần vào thời Tổng thống Yeltsin trị vì nhưng Ngài đôi khi đánh giá ông ta “là người nhậu nhẹt quá nhiều”. Ngài đánh giá Gorbachev cao hơn nhiều, vì nhân vật lịch sử này đã bãi bỏ được chủ nghĩa toàn trị tại Liên Xô, mà chủ nghĩa này đã tiêu diệt hẳn tinh thần Marxism chân chính, mà theo Ngài thì chủ nghĩa Mác thời đầu chả có gì sai cả, toàn những ý định tốt đẹp… Ngài đã gặp gỡ không chỉ một lần với cả hai nhà lãnh đạo này:
Với Putin thì nhiều người kể lại là nhà tiên tri Vanga đã nói về sự xuất hiện ở Nga của một “Tổng thống mà không ai biết” – sau này bà cũng đã báo như vậy cho các trợ lý của Yeltsin vào năm 1996 nhưng khi đó có lẽ chưa ai biết đến Putin thật nên chả ai quan tâm đến người kế nhiệm. Bà chỉ báo trước là người kế nhiệm bí ẩn này sẽ khôi phục danh tiếng cho nước Nga, cầm quyền rất lâu nhưng sẽ ra đi theo một cách không ai ngờ tới…
(Có lẽ cũng nên nói thêm về quan hệ giữa Tổng thống Yeltsin và Tổng thống nước cộng hòa Kalmykia Kirsan Ilyumzhinov – họ đã từng rất thân thiết nhất là sau sự kiện “Nhà Trắng” năm 1993 và cho đến nay gia đình Yeltsin vẫn coi anh như một thành viên của mình. Thế nhưng “Sa hoàng” Yeltsin có lẽ sau này đã không thích ở Kirsan 3 điều. Đầu tiên là việc anh ta giàu có nhưng lại tương đối độc lập, và anh đôi lần đã hắng giọng đòi đưa Kalmykia ra khỏi thành phần của nước Nga rộng lớn “để làm một Kuwait hay Dubai mới”. Thứ hai là năm 1997 anh tuyên bố với BBC rằng cách đó mấy tháng đã bị người ngoài hành tinh mời lên một đĩa bay (UFO) suốt nửa ngày trời – anh đã suy nghĩ rất kỹ có nên kể ra không vì đó là hành động “lấy đá ghè chân mình” rất dễ thấy đối với một chính trị gia, nhưng rồi nghĩ mãi vẫn quyết định phải kể ra – sau đó đại đa số các chính khách và xã hội coi anh là hoang tưởng, chơi trội, thậm chí đòi tước hết chức vụ của anh vì “làm lộ bí mật quốc gia”! Điều thứ ba là khi lần đầu Putin ra tranh cử Tổng thống thì Kirsan cũng quyết định tham gia… anh đã rút lại quyết định đó nhưng “Sa hoàng” và “Sa hoàng mới” Putin chắc sẽ còn nhớ chuyện này rất lâu!)
Đức Đalai Lama đánh giá rất cao khả năng lãnh đạo của Putin nhưng ông coi những đồng nghiệp của Putin “làm ăn theo những nguyên tắc quá cũ”! Ngay sau khi Putin lên cầm quyền thì dưới sức ép của Trung Quốc Ngài không thể nhận được visa vào Nga, dù chỉ để transit. Lần duy nhất Ngài được tới Nga trong thời kỳ này đấy là năm 2004, Kirsan đã xây xong ngôi chùa lớn nhất châu Âu thờ Đức Phật Tổ Như Lai tại thủ đô Elista nhưng không thể mời Thầy Tenzin Gyatso sang khai quang cho chùa. Sức ép của Trung Quốc lên Bộ Ngoại giao Nga quá lớn, có lẽ họ vẫn nhớ câu nói của Kirsan: “Đừng hỏi ý kiến của người Trung Quốc hay bất kỳ ai về việc người Kalmykia sẽ thờ ai!”. Người giúp Kirsan giải quyết được vấn đề “tày đình” này lại là một người bạn Nga gốc Armeni – doanh nhân tỷ phú Ara Abramyan. Đức Đalai Lama sang chỉ được tới thẳng Kalmykia và chỉ được coi là một chuyến đi với mục đích tâm linh, không hơn không kém, nhưng như thế cũng đã rất thỏa mãn niềm ước mong của chúng Phật tử Nga rồi, họ kéo tới Kalmykia từ khắp các vùng miền để chiêm bái Ngài, còn đối với chính Đức Ngài thì đấy là một giấc mơ… Tất nhiên Ara cũng được gặp gỡ Ngài trong mấy ngày đó và Ara có kể với Đức Lama là mình đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào Lybia. Câu trả lời của Ngài tới rất nhanh – Lybia sẽ tan tành hết đấy – nhưng có lẽ Ara Abramyan không hiểu rằng đó là cách Ngài cảm tạ lòng nhiệt thành và sự giúp đỡ quý báu của mình nên cứ bỏ ngoài tai. Lybia sau đó thế nào thì chúng ta đều biết…
Ngài tự kể về các chuyến thăm Liên Xô và Nga của mình:
Trước chuyến thăm Kalmykia ngắn ngủi đó, vào 2003 Kirsan đã được thay mặt Ngài tuyên bố với quốc tế (và nhất là Bắc Kinh) rằng Đức Đalai Lama không thấy có nhu cầu đưa Tây Tạng ra khỏi thành phần của Trung Quốc, và rồi tới năm 2012 Ngài đã từ bỏ mọi trách nhiệm là người lãnh đạo Tây Tạng, tức là theo logic chẳng có gì còn có thể cấm cản việc cấp visa cho Ngài sang Nga, tuy vậy Trung Quốc vẫn rất hằn học với vị thủ lính tinh thần này và Nga vẫn phải từ chối cấp visa cho Ngài vô thời hạn – thế mà dưới thời Yeltsin Ngài đã được mời phát biểu tại Hội đồng dân biểu Nga đấy! Trong việc này Mỹ có vẻ “dũng cảm” hơn: Obama vẫn mời Ngài sang để diện kiến (tuy vậy vẫn tuyên bố không ủng hộ độc lập chủ quyền của Tây Tạng). Tất nhiên với cách đối xử như vậy Putin khó mà được Đalai Lama đánh giá cao – Ngài coi Putin là người tự tin thái quá (tổng thống này tuyên bố “sau khi Gandhi mất chẳng còn nhân vật nào đủ tầm cỡ để bắt buộc cần đối thoại nữa cả”! ) và quá tham quyền cố vị, ích kỷ khi dùng cách sử dụng Medvedev để trị vì thực chất tới 4 nhiệm kỳ…
Bà tiên tri Vanga mất đã hơn 20 năm nhưng có nhiều tiên đoán của bà mãi sau này chúng ta mới có dịp chiêm nghiệm. Đối với thế giới thì theo người phụ nữ mù này năm chuyển đổi sẽ là 2016 (năm Trump xuất hiện?!) và cuộc chiến Syria hôm nay chúng ta được theo dõi chính là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn: https://www.youtube.com/watch?v=byvnZkerO2o
Theo bà thì vận mệnh cả loài người phụ thuộc vào chiến sự ở đất nước nhỏ bé Syria được bà gọi đích danh từ hơn 20 năm trước. “Không ai tấn công Mỹ, không ai tấn công Nga… Khi Damascus bị tấn công có thể coi là thế chiến lần thứ ba bắt đầu… Hòa bình sẽ được lập lại và lâu dài sau khi Syria thất thủ!”. Vụ việc Syria ngày hôm nay còn được vài nhà tiên tri nữa đoán trùng nhau từ trước như vậy.
Còn Đức Đalai Lama không “tiên tri”, mà Ngài khuyên nhủ chúng ta. Cũng như bà Vanga Ngài coi Syria là một sai lầm của nước Nga, nhưng sau đây loài người có những cơ hội để xích lại gần nhau. Nước Nga nên tránh chế độ toàn trị, không thể là một xã hội khép kín. Nước Trung Hoa cũng vậy, trên con đường xây dựng nền dân chủ càng phải hòa nhập vào thế giới. Nước Mỹ là thủ lĩnh thực sự của thế giới, phải giữ được và xứng đáng với vai trò đó của mình. Và khi nước Mỹ là thủ lĩnh kinh tế, quân sự của thế giới, nước Nga là thủ lĩnh tâm linh dẫn dắt loài người thì lúc đó mới thực sự có hòa bình dài lâu.
Gens una sumus – “chúng ta là một dân tộc” – khẩu hiệu này của FIDE chưa bao giờ lại cấp thiết như hôm nay! WW3 đã xảy ra ở Damascus…
Ghi chú: “có người ngoài hành tinh không?” và Đức Đalai Lama cũng như bà tiên tri Vanga nghĩ gì về chuyện này, và cuối cùng Kirsan có thực sự bị người ngoài hành tinh bắt cóc không…? Hơn nữa, Phật Pháp đánh giá thế nào về những thành tựu khoa học của con người?
Nếu có nhiều người quan tâm đến việc này thì sẽ có phần tiếp theo của câu chuyện…
Ảnh:
– bên giường bệnh của bà Vanga – Kirsan và người con trưởng của bà đương chức Viện trưởng Viện kiểm sát Sofia.
– Đức Đàlai Lama và Kirsan buổi sáng khai quang chùa tại Elista 2004.
– Kirsan và tổng thống Assad 2016 tại Damascus.
Bình luận Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *