Lời nói đầu: quả là tất cả tùy duyên, đang yên đang lành tôi lại theo các bác viết về đảo chính ở Nga cách đây một phần tư thế kỷ. Mà đã viết về lần đảo chính thứ nhất chẳng lẽ lại bỏ qua hậu quả nhãn tiền của nó, là lần đảo chính thứ hai 10/1993 hay sao? Thế là lại phải viết tiếp, mà dài quá mãi không xong được, nhưng đang viết dở thì viết đến thời điểm có một nhân vật đã hàng động vô cùng dũng cảm, thậm chí quá liều lĩnh… thế là tôi lại muốn viết về con người đó trước, liệu nếu trong hoàn cảnh tương tự nhưng xảy ra ngày hôm nay, sau hơn hai chục năm người đó có hành xử như thế nữa hay không. Và thế là có phần tiếp theo của bài viết: “Kirsan-có một người Nga như thế”: https://www.facebook.com/namhhn/posts/595450297183578
(Dành cho những người đọc chậm)
ĐỊNH LUẬT CƠ BẢN
Nước Nga sau 1991 có ba trung tâm Phật giáo chính: nước cộng hòa Kalmykia, Tuva và Buryatia. Lý do là dân gốc của các nước cộng hòa Kalmykia và Buryatia này đều có tổ tiên là người Mông Cổ, từ thời quân tướng của Thành Cát Tư Hãn sau khi đi chinh phạt châu Âu xong thì định cư ở lại những nơi này (không rõ có phải vì “lạc đường về” như ngày nay người ta hay giải thích không, hay chủ động ở lại để gây dựng cơ đồ), còn ở Tuva thì có thời cả chục ngàn người Trung Quốc gốc Mông Cổ di dân sang đó mang theo cả Phật giáo (và sau này Mông Cổ còn tranh chấp đất đai nơi này với CCCP đến 1926 mới thôi). Nhưng thế giới biết đến nước Nga có đạo Phật có lẽ cho đến ngày nay chỉ nhờ vào sự cố gắng của một cá nhân – Kirsan Ilyumzhinov.
thảo nguyên bát ngát vùng Kalmykia
Tôi đã viết về anh mấy năm trước, nhưng nay lại có dịp viết về con người kỳ lạ này. “Dịp” đây đơn giản là mấy năm trước anh đã theo yêu cầu của tổng thống Nga không ra tranh cử chức vụ Người đứng đầu nước cộng hòa Kalmykia nữa – sau 17 năm liền ngồi ở chức vụ này, và vì mới đây thôi Chính phủ Mỹ đưa anh vào danh sách cấm vận quan chức Nga, nên anh tự đề nghị Liên đoàn cờ vua quốc tế tạm thời cho anh không thực hiện nghĩa vụ Chủ tịch FIDE nữa – sau 20 năm liền lãnh đạo Liên đoàn – để tập trung kiện và bảo vệ danh dự với Bộ Tài chính Mỹ! Đúng là một dịp tốt để nhìn lại, khi Kirsan chẳng giữ chức vụ gì cụ thể nữa thì có lẽ dễ đánh giá anh hơn dưới góc độ một công dân của thế giới, một phật tử như anh đã tự nhận (“Tôi chưa bao giờ coi mình là chính trị gia”). Chắc anh còn giữ vài ba chức vụ mà có lẽ anh chả nhớ hết (chẳng hạn anh vừa được bầu làm Chủ tịch của “Quỹ nhân đạo thế giới”), nhưng đối với một phật tử, anh như vừa đi hết một quãng đường dài khá chông gai, đến lúc ngồi xuống một lát và ngoái đầu nhìn lại…
Kirsan tin rằng cờ vua không phải do con người thời nay nghĩa ra…
Cuộc đời của Kirsan (vâng, VIP này muốn người ta gọi mình đúng như thế) là một bức tranh dọc ngang toàn các gam màu tương phản. Ở nước Nga thời hiện đại ít có nhân vật nào hơn hai chục năm nay luôn nằm trong tâm điểm của báo chí, của miệng lưỡi đời người, và hơn nữa người đời đa số khen thì ít, mà chê trách và ghen tị thì nhiều – Kirsan chính là người như thế, nhưng có cảm giác chính tâm linh đã cho anh sức dẻo dai, sự nhẫn nại vô biên và nụ cười lấp lánh của trí huệ. Người đời hết cho anh là kẻ mánh lới, tham nhũng, tổ chức giết người bịt miệng, rửa tiền, buôn vũ khí và ma túy, ủng hộ khủng bố, tham quyền cố vị… và mới đây nhất “ủng hộ chính quyền độc tài Syria”, thậm chí “buôn dầu mỏ với Thổ” – tuy vậy hình như càng ngày những lời đồn thổi độc địa ấy càng ít ảnh hưởng đến anh. Người ta hỏi “Ngài quan hệ thế nào với Kasparov (vì bị Kasparov “trả thù” mà Kirsan bị Mỹ cấm vận)?” anh vẫn tươi cười: “Tuyệt vời!”. Khi được hỏi nghĩ sao về nước Mỹ sau khi rơi vào danh sách bị cấm vận, Kirsan vẫn cười: “Năm 2016 này FIDE và tôi sẽ tặng cho nước Mỹ 30 sự kiện về cờ vua, sẽ làm “năm cờ vua” tại Mỹ, giúp Mỹ nhân quyền tổ chức cuộc đấu tranh chức vô địch thế giới của nam giới… ”. Quả là bản lĩnh!
“Những yêu cầu yên lặng thường là ầm ĩ nhất”-câu nói của Kirsan Iliuvinov
Kirsan đến với đạo Phật khá sớm, từ bé không đi nhà trẻ mà ở nhà với bà, đã thấy bà lén lút đóng kín cửa và rèm, lấy tượng Phật bé tí ra khấn vái, để anh cũng phải khấn theo. Lớn lên dưới chế độ “vô thần” CCCP anh cũng như các bạn đoàn viên khác phải đi kiểm tra xem có người lớn nào lén lút đi cầu Chúa, khấn Phật ở đâu không… Thần tượng của anh từ trước đến giờ vẫn là Pavel trong “Thép đã tôi thế đấy”, sau này chỉ có thêm thần tượng nữa thôi, ví dụ là Ostap Bender trong phim đã chiếu ở miền Bắc “12 chiếc ghế” (nếu ai vẫn còn nhớ nhân vật giả tưởng đó, thì chắc phải nhớ tay “bán trời không văn tự” Bender suốt đời mơ được đặt chân tới Rio-de-Janeiro, và Kirsan đã thực hiện được ước mơ cho “thần tượng” của mình: mua một khu đất gần bờ sông tại Rio-de-Janeiro, đúc tượng Ostap Bender và mang sang đó đặt!).
Tất nhiên kiến thức và cảm nhận về Phật giáo thời bé thơ vụng trộm là quá ít ỏi, thế nên khi CCCP đã tan rã và năm 1993, mới 31 tuổi, triệu phú trẻ Kirsan Iliumzinov được bầu làm Tổng thống nước cộng hòa Kalmykia thì chưa thể nói anh đã biết gì nhiều về các tôn giáo, anh chỉ thấy những người già như bà anh không có chỗ nào để đi cầu nguyện, cúng bái, kể cả theo Thiên Chúa giáo hay Phật giáo. Người đã dẫn anh đến với ý nguyện xây đền chùa (tiếng Nga nhà thờ hay chùa chiền thường dùng chung một từ là «khram») chính là nhà tiên tri Vanga, người phụ nữ mù này đã nói với anh từ 1992 là thấy sau này anh xây một “khram” (đền thờ) rất uy nghi, và cũng chính Vanga – người theo đạo Thiên Chúa – đã đưa Kirsan đến với đạo Phật như vậy…
Chùa lớn nhất châu Âu ở Elista (thủ phủ Kalmykia) do Kirsan xây xong năm 2005
chỉ ngay gần đó là Nhà thờ chính thống giáo kiểu Nga-cũng do anh xây
Тhể theo nguyện vọng các cụ già, Kirsan bắt đầu xây “khram” – đầu tiên là nhà thờ đạo chính thống của Nga. Khi anh kể cho Giáo hoàng Vatican Joan-Pavel II về việc đó, Ngài có yêu cầu anh cũng xây cả nhà thờ cho giáo dân theo đạo Thiên Chúa Vatican. Đến lần sau, khi anh cho Ngài xem ảnh nhà thờ mới xây, Giáo hoàng hỏi ở Kalmykia có bao nhiêu giáo dân công giáo của Ngài, mà làm gì có ai, anh đành chỉ vào người tháp tùng mình. Tất nhiên không thể nói dối Giáo hoàng như vậy được, thế là Kirsan đã thuyết phục được người tùy tùng của mình trở thành giáo dân Vatican đầu tiên của đất nước… Anh đã hoàn thành ý nguyện của bà mình: năm 2005 xây xong cái chùa to nhất và cao nhất châu Âu! Chùa cao 63 m, 7 tầng, có tượng Đức Phật bằng đồng lớn nhất châu Âu… là một trong những điểm hành hương nổi tiếng nhất của nước Nga ngày nay. Tổng cộng Kirsan đã và đang xây 46 đền chùa, chưa kể khá nhiều nhà thờ, nhà nguyện, tháp chuông kiểu thiên chúa giáo, lại còn xây cả đền thờ Hồi giáo cũng ở Kalmykia nhưng gần với biên giới với nước cộng hòa hồi giáo láng giềng. Anh vẫn đang tiếp tục xây chùa, chẳng hạn chùa của Kalmykia ở Nepal, và tham gia xây chùa lớn nhất ở Moscow, công trường vẫn đang trong thời gian hoàn thiện…Đa số chi phí xây dựng do anh bỏ tiền ra như một doanh nhân cung tiến, tổng cộng anh đã chi hết hơn 100 triệu $ cho công việc này. Người thông minh như anh quá hiểu rằng không phải cứ bỏ thật nhiều tiền ra để cúng tiến thì trên thiên đàng sẽ được sung sướng rong chơi, mà anh cho đây là một trách nhiệm, cũng là một thử thách cho bản thân mình như một phật tử bình thường thôi – anh đã bán cả cái máy bay riêng để có tiền hoàn thiện cái chùa lớn nhất tại Kalmykia, chẳng có vấn đề gì về sĩ diện ở đây cả…
Đà Lai Lạt Ma nổi tiếng vì khiếu hài hước, khi ông nhận Kirsan làm học trò thì có nói “nếu không học sẽ bị Thầy quật roi…”-học trò Kirsan lập tức tặng ngay Thầy roi-chính là quà tặng truyền thống của người du mục Kalmykia…Hai thầy trò cười lăn cười bò!
Người dạy anh điều đó chính là Đức Đà Lai Lạt Ma. Họ gặp nhau từ 1991, khi đó Đức ĐLLM còn đi ra vào Nga thoải mái (lúc đó Trung Quốc chưa gây sức ép với chính phủ Nga về việc liên quan đến chính trị ở Tây Tạng này), Ngài đến thủ đô Elista (Kalmykia) để khai trương một ngôi chùa xây ở rìa thành phố, cũng có đóng góp rất lớn của doanh nhân trẻ Kirsan. Đức ĐLLM đã khuyên anh (lúc đó mới 29 tuổi, đã là nghị viên), rằng trẻ nhưng đi làm chính trị là đúng thôi. Sau đó họ rất thân nhau, một lần ở Mỹ khi Kirsan khoe căn nhà 4 tầng rất đẹp của mình ở Los Angeles, Đức ĐLLM đã khuyên người bạn nhỏ của mình: “Hãy nghe ta, Kirsan yêu dấu, không được quen với bất cứ điều gì, bất cứ đồ vật đẹp đẽ nào. Không được có thói quen!”. Từ đó về sau vật chất không còn là thứ quan trọng nhất trên đời đối với anh nữa…
Kirsan đã đến nơi trú ngụ của Đức ĐLLM từ 1992, lúc đó làm gì có đường xá vững chắc như bây giờ đâu, và anh sau này còn đưa rất nhiều đồng sự, bạn bè, kể cả các vị tai to mặt lớn đều phải lặn lội đến với Đức ĐLLM. Là người của rất nhiều dòng tôn giáo, đối với Kirsan và phật giáo Kalmykia nói chung thì dòng phật giáo Tây Tạng là gần gũi nhất – đó là do tổ tiên truyền lại từ nhiều thế kỷ rồi. Đức ĐLLM và các Lạt Ma Ấn Độ khác đã kể tỉ mỉ cho Kirsan ghi lại những kiếp trước của anh đã như thế nào, ngày nay anh đang sống kiếp thứ 69 trong số 108 kiếp của mình – điều này Đức Phật chứng cho anh là đúng như vậy đấy, thế mà vì nó anh chịu rất nhiều điều tiếng trong và ngoài nước! Tuy vậy anh như một trong những cầu nối ngoại giao, một sứ giả giữa Đức ĐLLM và chính quyền Trung Quốc, chứng tỏ đối với họ thì anh là một VIP rất nghiêm túc!
Lại nói về những tuyên bố vô cùng khác người, vô cùng quyết đoán và khó kiểm chứng của anh, thì hơn hết phải nói về chuyện gần 20 năm nay, chính xác là từ 1998 anh thường xuyên kể về việc đã bị người ngoài hành tinh đưa lên một cái UFO (vật thể không nhận dạng được) trong một số giờ. Anh đã nói rất rõ rằng mình không hề điên dở gì hết, cũng chẳng có mưu cầu PR gì với chuyện này vì anh vốn đã quá nổi tiếng rồi, chuyện xảy ra năm 1997 và anh phải cân nhắc thiệt hơn mấy tháng trời rồi mới đưa ra công chúng. Điều này cũng được Đức Phật chứng cho anh là đúng như thế thật, nhưng thế gian đâu có biết được sự tình, cứ có cớ để chê anh “xạo” là được rồi. Anh bảo đại ý là “tôi trong chính trị cũng như trong cờ vua, bao giờ cũng cân nhắc các nước đi rất kỹ, và bao giờ cũng tính trước nhiều nước mới đi. Thế nên riêng lần này tôi phải suy nghĩ mất vài tháng rồi mới quyết định đưa ra với media, mặc dù có mấy người làm chứng rõ ràng, nhưng tôi biết mọi người sẽ chẳng tin tôi đâu, sẽ dèm pha rằng tôi muốn PR. Thực ra mỗi năm cả thế giới ghi nhận có khoảng 4000 lần người ta thấy UFO, và đã nhiều người cũng như tôi kể về việc giao lưu với người hành tinh khác, tuy vậy nếu một Tổng thống hay Chủ tịch Liên đoàn như tôi kể ra mọi người sẽ nghĩ là chiêu trò. Nhưng cuối cùng ai đó cũng phải nói ra, kể lại chứ, rằng chúng ta không hề đơn độc trong dải thiên hà này, vũ trụ này. Tại sao mọi người thấy bình thường khi tin vào Chúa Trời, vào Đức Phật, vào ngài Mohamed, mà lại không chịu tin vào người ngoài hành tinh? Như xưa kia nếu nhà bác học Xionkovsky không chịu đưa ra ý kiến là “con người có thể bay được” thì chẳng nhẽ loài người cứ ở mãi trên mặt đất thôi à…?”.
Hãy tin vào những điều không tưởng nhất!
Quả là hai phát biểu trên “làm hại” Kirsan nhiều nhất, mười mấy năm nay anh đều bị xỏ xiên, đại ý là “chẳng nhẽ các vị lại bầu chọn cho một kẻ điên rồ?” hay có những nghị viên đòi cách chức để điều tra Kirsan xem trong lúc ở đĩa bay có lộ bí mật quốc gia nào không… Nhưng Kirsan vẫn nói đúng những câu chuyện đó nếu được hỏi đến, đã rất nhiều năm rồi, từ khi anh vẫn giữ hai chức President cho đến lúc chẳng còn là quan chức như bây giờ. Phải nói người ảnh hưởng đến đức tin của anh nhiều nhất – chí ít là tin vào những điều tưởng chừng như không thể – đó là bà Vanga. Bà yêu Kirsan như con, anh cũng đáp trả với bà với tình thân và lòng tin tuyệt đối, trong vòng 4 năm anh đã 33 lần sang Bulgary gặp bà. Như anh tự thống kê, 8 trong 10 việc anh hỏi đến, bà đã tiên tri được và những điều đó lần lượt đã ứng nghiệm – kỳ lạ nhất là việc gần đây nhất. Thuở bà còn sống Kirsan sang hỏi bà về việc nên đặt nhà máy lọc dầu tại Kalmykia ở đâu cho thuận tiện, chưa kịp hỏi thì bà đã bảo nhìn thấy rất nhiều ống “nước” (“nước này đắt hơn vàng” – bà không hề biết gì về xăng dầu cả!), và gần như lập tức chỉ trên bản đồ nước cộng hòa nơi bắt buộc phải đặt nhà máy. Lúc đó chả ai tin, kể cả Kirsan, vì không lý nào nhà máy lọc dầu không để sát biển Caxpien nơi có mạch dầu lớn chảy qua, lại tiện về giao thông, thế mà Vanga-một bà già mù, chưa bao giờ ra khỏi đất Bungary – lại chỉ xoáy vào một điểm ở sâu trong thảo nguyên mênh mông đã bị sa mạc hóa. Cách đây vài năm Kalmykia kết hợp với công ty dầu khí “LukOil” mới khảo sát chỗ đó và tìm ra trữ lượng dầu rất lớn – Kirsan và nước cộng hòa tiết kiệm nhiều triệu USD để thăm dò theo cách thông thường! Quả là tiên tri (và như bây giờ anh vẫn cảm thấy bà ở gần anh, theo từng bước đường đời của anh và cười)… Hình ảnh về việc bà giúp Kirsan tìm dầu tại Kalmykia có thể xem ở clip ngắn của bộ phim nhiều tập về Vanga mà anh tham gia đóng: https://www.youtube.com/watch?v=o9QxFP1P3oA
chính bà Vanga đã cho người sang tận Nga tìm Kirsan về gặp mình, từ khi anh còn vô danh
Với đặc thù công việc quá bận rộn, mỗi năm đi trên dưới 80 nước nên trước kia Kirsan chưa có bao nhiêu thời gian để thiền hay tịnh tâm – đến nghỉ một ngày anh cũng chưa hề có, từ khi tốt nghiệp đại học năm 1989. Anh có lẽ chưa thể đủ độ tĩnh tâm để hiểu thấu đáo về Phật pháp để có thể dùng đó quyết định những việc quan trọng nhất trong cuộc đời, nhất là những lúc không thể kịp tham vấn với ai trong số các nhà tiên tri, các Lạt Ma, các Riponchee, các Giáo chủ… mà có thể nói là số phận đã cho anh làm quen được với hầu khắp những người nổi tiếng nhất – vậy thì cái gì đã giúp anh chọn lựa đường đi của mình-câu hỏi này tôi đã đặt ra từ lâu mà không có câu trả lời nào rõ ràng cả… Ví dụ: tốt nghiệp phổ thông với điểm số xuất sắc và huy chương vàng, được đặc cách vào học nhiều trường đại học (Lomonosov về ngôn ngữ chẳng hạn) – anh lại xin về nhà máy làm công nhân; làm sao anh ngờ được rằng 10 năm sau chính những công nhân của nhà máy này đề cử anh, thuyết phục anh tham gia ứng cử vào chức Tổng thống nước cộng hòa Kalmykia – chẳng nhẽ anh biết việc “nhân-quả” ứng nghiệm đến như thế? Hay việc anh kịp thời từ bỏ ý định ra tranh cử tổng thống Liên bang Nga (với Putin?!) năm 2000, vì có lẽ nếu thế cả bộ máy an ninh và truyền thông Nga sẽ đè bẹp anh không thương tiếc?
Và một sự kiện này tôi không thể quên, tuy rằng trước kia chả thể nào hiểu được nó. 10/1993, khi đó Kirsan mới được bầu làm Tổng thống cộng hòa Kalmykia, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Nga, một “ngôi sao sáng” trên chính trường và thương trường nước Nga thời Yeltsin –
anh cũng rất được Tổng thống này quý mến và hay hỏi ý kiến (sau này chính anh sẽ truyền đạt những lời khuyên của bà Vanga đến với Boris Yeltsin). Vào ngày 3/10 khi Yeltsin cho xe tăng nã đạn vào “Nhà Trắng” – nơi phe đối lập nhưng cũng toàn là “quân ta” gồm Ruzkoy – Phó tổng thống và Khasbulatov – Chủ tịch Hội đồng Tối cao Nga – đang cố thủ, một cuộc chiến thật sự đã nổ ra. Ngoài bắn vào, trong bắn ra, trên các mái nhà và còn từ đâu nữa không biết là những tay thiện xạ bắn hạ bất cứ ai, dù đó là phóng viên hay dân thường. Phía Yeltsin muốn tấn công nhanh, phía “Nhà Trắng” muốn cố thủ để chờ sự giúp đỡ của lực lượng quân sự kéo về, hay chí ít là ủng hộ của phía ngoại giao đoàn để không bị thất thủ. Hàng trăm người chết, khói bụi mù trời, xung quanh thì hàng chục nghìn người dân Moscow đứng để hò hét cổ vũ, các hãng truyền hình trong nước và quốc tế đưa tin trực tiếp… nguy cơ một cuộc nội chiến sẽ nổ ra đã thấy rõ! Kirsan tuy chẳng đứng về phe nào, cũng chẳng bị kẹt trong chiến tuyến bên nào nhưng đã cùng ba người nữa lấy rèm cửa sổ làm cờ trắng, phi đến “Nhà Trắng” trên chiếc Lincoln dài 9m rất nổi tiếng của anh (mua để tham gia ứng cử ở Kalmykia cho nó “bề thế”). Anh cùng các bạn cầm cờ trắng đi qua hàng loạt chiến lũy, tất nhiên là trước đó có dùng điện thoại vệ tinh cảnh báo và xin phép cả hai bên rằng mình đi vào để thương thuyết hòa giải. Họ cứ đi như thế trong khi đạn vẫn nổ khắp xung quanh, đám đông rỗi việc không hiểu gì thì thóa mạ, và khi đến cửa còn phải đứng chờ 20 phút, sau đó khói tan, bên trong nhìn thấy mới hé cửa cho vào – thời khắc chờ đợi tưởng chừng dài vô tận ấy bất cứ lúc nào anh cũng có thể lãnh một viên đạn của các tay súng bắn tỉa! Họ đã vào được trong, tuy không thể giúp được cho hai bên tìm ra tiếng nói chung, nhưng khi quay ra Kirsan vẫn dẫn theo được 12 phụ nữ, lại cầm cờ trắng đi ra dưới làn đạn. Anh đưa họ lên xe buýt của quân đội, sau đó mới quay ra chiếc Lincoln “huyền thoại” của mình. Không hiểu tại sao các phóng sự đều quay cảnh Kirsan cầm cờ trắng đi vào “Nhà Trắng” mà chẳng ai chiếu lúc anh và các bạn dẫn độ những phụ nữ này thoát vùng chiến sự, thế nhưng Giáo hoàng Joan-Paulo lại biết, và sau này trao cho anh Huân chương của Vatican vì hành động anh hùng này!
Kirsan và Ruzkoy-Phó tổng thống và là một trong hai người cầm đầu nhóm “đảo chính” 10/1993
Có anh hùng đến mấy chăng nữa thì tôi không thể hiểu được tại sao một thanh niên đang đứng trên đỉnh cao danh vọng, tiền tài, lại liều lĩnh làm một việc như thế, có ai xui khiến đâu, mà để được cái gì, có liên quan gì lắm đâu đến bản thân anh và nước cộng hòa của mình? Sau này nhiều phóng viên cũng thắc mắc như vậy, và Kirsan thường đùa rằng khi anh biết mình còn gần 40 kiếp sống nữa thì chẳng có gì mà phải sợ cả… và anh làm như thế để hy vọng hòa giải được đôi bên, tránh đổ máu thêm và tránh được cuộc nội chiến thì hậu quả sẽ kinh hoàng hơn thế nhiều!
Sau đó một năm gặp Kirsan ở Tây Âu tôi có hỏi anh về vụ “Nhà Trắng” đó, thì anh tường thuật lại, và bình luận rằng cả hai phía đều biết anh, cả Nga cả các hội “đầu đen” (dân vùng Kavkaz) đều chả lạ gì Kirsan, cho nên anh cũng khá vững tin mà đi, tất nhiên chỉ sợ nhất là khói bụi mờ mịt thì có kẻ bắn nhầm, bắn bừa…nhưng sau vụ ấy các phe cánh ở Moscow nể anh lắm, vì “Kirsan nó không sợ chết hôm đảo chính ấy thì còn biết sợ cái gì nữa!”. Tất nhiên trong câu đùa vui khoác lác ấy có một phần sự thật, nhưng tôi chưa thể thỏa mãn với lời giải thích đó…
người dân Kalmykia có trách nhiệm về mọi việc xảy ra trên trái đất này!
Chỉ vài năm trước, khi Kirsan trả lời phỏng vấn một báo ở Kalmykia về một vấn đề tương tự tôi mới ngộ ra, và mới có thể xâu chuỗi được sự kiện, mọi thứ trở nên khá dễ hiểu, tuy rằng nó còn làm tôi ngạc nhiên nhiều hơn trước rất nhiều! Tức là vốn dân Kalmyk là dân Cô-dắc du mục quá lâu đời, họ rất thiện chiến (Balzak đã tả về những người lính Kalmyk tiến vào Paris trên những chú lạc đà…) nhưng lại tuân theo giáo lý nhà Phật, họ có những nguyên tắc đã được định hình từ thời tiên tổ để lại. Nhân dân Kalmykia sống theo “Bộ Luật căn bản vĩ đại của Thảo nguyên” («Великое Степное Уложение”), họ coi bộ luật này còn cao hơn cả Hiến pháp của Liên bang, mặc dù theo pháp lý ngày nay thì ngược lại mới đúng. Bộ luật này được chép từ năm 1640, trước 8 năm so với cả bộ “Luật căn bản của Nhà Thờ” của dân Nga. Khi đã trúng cử Tổng thống Kalmykia Kirsan đã soạn lại và ký Bộ Luật này năm 1994, Chính phủ Nga đã cho nhiều đoàn kiểm tra xuống soi kỹ từng chữ, thấy không hề có chỗ nào mâu thuẫn với Hiến pháp Liên bang nên đành phải để tồn tại, chỉ có Viện kiểm sát tối cao đòi bỏ chữ “vĩ đại” đi thôi. Và thế là Kalmykia vẫn sống theo “Bộ Luật căn bản của Thảo nguyên”.
Và trong Bộ Luật này có một điều luật vĩ đại, tôi không ngại dùng đúng từ đó, điều số 10: “Nước cộng hòa Kalmykia cùng chịu trách nhiệm về các vấn đề toàn cầu của loài người nói chung và có trách nhiệm giải quyết chúng với tinh thần yêu thương, cảm thông, thiện tâm và tiến bộ, tạo dựng nền hòa bình trên toàn thế giới”.
Tức là dân tộc ít người Kalmykia bên bờ biển Caxpien kia sẽ cùng chịu trách nhiệm về thảm sát tại Paris, chiến tranh ở Syria, động đất ở Nepal, nạn đói ở châu Phi hay ô nhiễm môi trường ở Hà Nội! Mỗi một cá nhân là một thành phần của một thể thống nhất có tên là Trái Đất, hay thậm chí là một đứa con của vũ trụ bao la này. Tổng thống trẻ Kirsan đã ký lại Bộ Luật của ông cha, để cho ít nhất là trong tiềm thức của những thế hệ dân Kalmyk họ hiểu rằng họ không đơn độc, và nếu thế thì không được quyền ích kỷ! Có thể nói trong những hiến pháp của các quốc gia tân tiến nhất cũng chẳng thể tìm được điều tương tự, có chăng là trong đạo Phật, vì gốc rễ của Bộ Luật này ta có thể tìm thấy trong đạo Phật. Và chính Kirsan – Phật tử của dân tộc ấy trong những giờ phút bất ngờ và khốc liệt nhất đã hành động đúng theo phương châm mà sau này Kirsan hay nhắc lại: “Còn là ai nữa, nếu không phải là ta?”. Sẽ đến một thời điểm mà cả nhân loại sẽ “ngộ” ra điều này! Hay đây chính là điều thứ 10 mà bà Vanga đã tiên đoán cho Kirsan…?
Тrên bước đường đời. Tôi đã từng đi qua và đã từng trải nghiệm. Đấng bề trên Ngài đã tặng cho tôi một món quà. Đó chính là tôi đã từng được gặp, tìm hiểu, được biết về cuộc đời của Kirsan. Cũng như tôi lại được Đấng bề trên ban tặng cho một món quà. Món quà này Tạo Hóa không chỉ dành riêng tặng cho tôi. Mà Tạo Hóa lại muốn dành ban tặng cho tất cả những người con sinh ra trên thế gian này. Nhân duyên đưa chúng ta tới được gần bên nhau. Cùng yêu thương, cùng hạnh phúc, cùng xót đau. Và lại cùng nắm chặt tay nhau, luôn tin tưởng ở những điều nhân văn thân ái. A Di Đà Phật.
TẠO HÓA
Cuộc đời ta như một dòng sông
Lúc yên bình chẳng hề gợn sóng
Khi ồn ào, giận dữ trào dâng
Dòng sông ấy, mãi trôi bất tận
Chẳng thể như. Cuốn tự truyện lại có hồi kết
Ta mãi trôi cùng dòng đời xuôi ngược
Bỗng một ngày. Ta đón nhận niềm hân hoan
Tạo hóa ban Trí Huệ sáng bừng
Vầng sáng ấy. Ngày một tỏa bóng
Theo thời gian. Bóng tỏa vươn xa
Khắp muôn phương. Hương lan Trí Huệ
Cho dẫu ngàn đời. Tạo hóa mãi ghi dấu
Dấu ấn của điều Kì Diệu. Của Nhân gian tươi sáng
Của Niềm tin vững chắc vào mai sau
Cuộc đời Ta. Cuộc đời cháu con
Mãi Hạnh phúc cùng Trí Huệ yêu thương.
A Di Đà Phật.