SHAMBHALA và BỘ PHIM “CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT”

Shambhala là tên gọi một miền quê hay sau này được coi là một vương quốc bí ẩn, được nhắc đến không ít lần trong những kinh sách cổ và những truyền thuyết của Phật giáo. Nó ở đâu thì không một ai biết được, nhiều người coi đó là một vùng bình yên ấm ấp trên đỉnh dãy Himalaya lạnh giá, có không ít chuyên gia cho đó là một địa danh nằm giữa lục địa Á-Âu. Cũng có thể vương quốc thần bí đó nay chìm sâu dưới lòng đất, và biết đâu vẫn còn sự sống như cách đây gần ba ngàn năm trước. Shambhala đã dần dần được coi là cõi tịnh độ của Phật tử, một vương quốc huyền thoại, như là một kích thích tâm hướng thiện và trí sáng tạo, tìm tòi. Hơn thế nữa người ta tin rằng từ Shambhala sẽ có những con người với trang phục màu trắng toát hiện ra để chiến thắng tà đạo khắp muôn phương – đó sẽ là thắng lợi của tri lương trước sự tối tăm dốt nát, của đức tin trước sự vô minh, của sự dâng hiến trước lòng ích kỷ… Và với sự tái xuất hiện của Shambhala một kỷ nguyên mới, huy hoàng của loài người sẽ bắt đầu…

 

(Từ 1933 sau khi ra đời một tác phẩm văn học vùng đất này hay được đọc trại đi dưới một cái tên: Shangri-La. Thậm chí Trung Quốc ngày nay còn gán tên đó cho một vùng đất của mình với ý đồ “đánh lận con đen” nhưng Shambhala thực sự vẫn còn là một câu hỏi không lời đáp đối với thế gian…).

 

Khi đạo diễn Samy và producer Darya về nước họ đến chào Thầy và được biết rằng họ sẽ có thể quay lại Việt Nam rất sớm để bắt tay vào thực hiện bộ phim “Cuộc đời Đức Phật”. Thầy tặng mỗi vị một bộ Kinh Pháp (khi đó mới chỉ có hai tập) và dặn dò phải giữ gìn cẩn thận, chính nó sẽ gia hộ cho các vị trong quá trình chuẩn bị này. Về kinh phí làm phim xin hãy hoàn toàn yên tâm, bộ phim Hollywood này sẽ được quay tại Việt Nam và bằng tiền của Phật tử Việt Nam – và đó sẽ là một người duy nhất. Khỏi nói họ vui mừng thế nào vì công chuyện hàng chục năm nay muốn tiến hành mà luôn gặp bế tắc nay đã được giải tỏa. Bà producer Darya Lucci thậm chí còn quá lạc quan đến mức để lại cả đống đồ đạc cá nhân và một quyển Pháp, vì nghĩ chẳng mấy chốc lại sẽ có mặt ở Hà Nội, còn cầm tạm đi một quyển để cho may mắn. Khi biết vậy Thầy chỉ thở dài rồi bảo rằng “chả trách họ vì họ chưa thế hiểu hết được, nhưng đó là điểm không tốt tí nào, thế thì họ còn khó khăn dài dài…”

 

Đoàn làm phim quay về châu Âu để thực hiện những công tác chuẩn bị và cũng ngày ngày ngóng trông tin tức từ phía đối tác Việt Nam báo sang để xem khi nào nhà tài trợ sẵn sàng (đối với phim ảnh thì được gọi là sponsor – mặc dù đúng nghĩa có thể gọi đó là nhà đầu tư). Nhưng rồi ngày lại ngày trôi qua, nhà tài trợ dù cố đến mấy nhưng vẫn gặp hết trục trặc này đến trục trặc kia, lại tương tự như 43 năm qua – họ không thể thực hiện được theo dự kiến, rồi thậm chí những nhà tài trợ hùng mạnh khác nữa lần lượt xuất hiện nhưng rồi cũng lại bó tay. Phải nói là số tiền chục triệu để làm phim đối với một bộ phim Hollywood thì quá bình thường, và số tiền đó đối với những doanh nhân lớn ở nước ta cũng chưa phải là mức độ để không chuẩn bị được. Vậy sao mà khó khăn vất vả quá thế! Chưa hết trong những tháng ngày ngóng chờ đó thì rất nhiều việc thật khó xử không lường trước được đã xảy đến với từng người trong đoàn làm phim: gia đình trục trặc, thậm chí vợ chồng ly tán, mất mát, ốm đau… Ngay những người ở lại Việt Nam như chúng tôi cũng không thể không cảm nhận được là có một cái gì đó lớn hơn, lấn át hết mọi suy nghĩ, tâm tưởng cũng như át cả những công việc mà đang định triển khai, một tâm trạng nóng ruột đến khó tả…

 

Thời gian cứ trôi đi, nhà đầu tư vẫn chưa thể thu xếp xong kinh phí, thế rồi một mùa phim (mùa giải Oscar) cũng đã trôi qua. Câu chuyện hơn bốn chục năm ròng rã có lẽ lại lập lại chăng? Trong tuyệt vọng và khó khăn, cả đoàn phim không ai bảo ai đều tự hứa là sẽ không hề động đến rượu bia cho đến khi bộ phim ra đời. Đạo diễn Samy thậm chí còn cải đạo, chuyển sang đạo Phật với hy vọng như thế thì những lời cầu khấn của ông ấy sẽ dễ đến tai Đức Phật hơn. Đạo diễn hỏi Thầy liệu có gì thay đổi chăng, thì câu trả lời vẫn vậy:

 

-các bác đang thực hiện một sứ mệnh lớn nhất trong cuộc đời. Chư vị Đức Phật đã và vẫn đang thử thách các bác, thử thách khốc liệt đấy! Nếu không có đủ lòng tin thì có lẽ sẽ không làm được đâu. Thầy thì rất có lòng tin, không phải vì Thầy biết gì hơn các bác nhưng đơn giản vì vào cái năm bác đạo diễn Samy đoạt giải thưởng với kịch bản của bộ phim này thì Thầy ra đời, và do đó Thầy biết rằng một trong những sứ mệnh của Thầy trong cuộc sống này đó là giúp các bác làm bằng được bộ phim về Đức Phật!

 

Trong những thời điểm vô vọng nhất thì nhà đầu tư xuất hiện, nhưng lại từ đất nước … Nga xa xôi. Ruslan Bayramov là một doanh nhân tương đối trẻ và từ nhỏ đã được giáo dục xen lẫn giữa văn hóa châu Á và văn hóa Xlavơ do vậy cách kinh doanh của anh cũng rất khác người. Anh xây dựng dự án văn hóa-du lịch “Ethnomir” (các sắc dân của trái đất). Đó là một dạng hơi hơi giống “làng văn hóa các dân tộc” ở nước ta, nhưng thay vào các dân tộc thì lại là những quốc gia trên thế giới, với đầy đủ những thắng cảnh tiêu biểu, những nét văn hóa cổ truyền đặc trưng cho vùng đất và dân tộc đó. Mỗi quốc gia còn là một khu khách sạn để du khách có thể sống và trải nghiệm luôn ở đó được về đất nước, con người… Và trái với “làng văn hóa các dân tộc” ở Hòa Bình luôn vắng vẻ tiêu điều thì Ethnomir hoạt động rất hiệu quả. Nó hiệu quả đến mức Tổng thống Putin hậu thuẫn về chính trị và tài chính để cho Bayramov nhân rộng mô hình đó ở Nga và còn ra cả nước ngoài. Khi nghe đến kịch bản bộ phim Đức Phật tuy rằng không phải Phật tử nhưng với hiểu biết văn hóa của mình, nhất là sau khi xây dựng dự án Ethnomir đầu tiên thì Ruslan Bayramov rất quan tâm đến thế giới Phật Pháp, lập tức anh mời nhóm làm phim qua Nga để bàn thảo và bắt tay vào công việc, sớm nhất có thể.

 

Sao lại thế được – đoàn làm phim cũng thấy hết sức bất ngờ – Thầy đã chuyển lại lời của Đức Phật, rằng bộ phim sẽ được quay tại đất nước Việt Nam bằng kinh phí của người Việt Nam cơ mà? Đoàn làm phim lại liên hệ với Thầy, kể về cơ hội làm phim “Cuộc đời Đức Phật” như thế, và xin phép Thầy cứ cho họ thử bắt tay vào xem thế nào, chứ chờ đợi trong trạng thái này quá nặng nề đối với họ rồi. Thầy chỉ nhẹ nhàng bảo rằng hãy cứ đón nhận vận hội mới, vì họ có lo lắng thế hay nữa thì cũng vì bộ phim tôn vinh Đức Phật thôi, chả có Ngài nào lại nỡ quở trách họ đâu, kể cả họ có làm khác đi so với ý định mấy tháng trước. “Nhưng ta vẫn thấy bộ phim sẽ được khởi quay tại Việt Nam, không còn lâu nữa đâu, bằng kinh phí của một Phật tử Việt Nam, một người duy nhất đấy!”. Và thế rồi Thầy khuyên đạo diễn Samy có ký hợp đồng hay thỏa thuận gì thì hãy giữ lại quyền có thể đền bù và dừng dự án lại bất cứ lúc nào…

 

Đoàn làm phim sang Nga để đàm phán với nhà đầu tư mà lòng rối bời, niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Thế là cuối cùng kinh phí làm phim đã có rồi, nhưng như vậy tất nhiên khó mà thuyết phục nhà đầu tư cho phép quay tại Việt Nam, theo lời Đức Phật – Ruslan đâu phải là Phật tử, và chỉ nghĩ đến Nepal. Khi anh ta mời đoàn phim đến ở và làm việc ngay tại khu du lịch Ethnomir của mình thì ngạc nhiên làm sao, tự bộ phận tiếp tân xếp đặt cho đoàn phim ở tại khu “Việt Nam”! Hình như số phận họ vẫn còn gắn kết với đất nước Việt Nam đã trở nên gần gũi với đoàn phim, còn khi nghe báo cáo lại Bayramov chỉ thấy nhíu mày!

 

Phải nói thật lòng là với tiềm lực và quyết tâm triển khai sớm việc quay phim của Ruslan Bayramov thì niềm tin vào chuyện bộ phim “Cuộc đời Đức Phật” quay tại Việt Nam ngay ở trong chúng tôi là những người được chứng kiến câu chuyện từ đầu cũng rất lung lay rồi. Ruslan thỏa thuận với Hoàng gia Nepal về cuộc gặp để thống nhất lịch trình làm bộ phim tại đó – anh đã có quan hệ sẵn từ khi triển khai dự án “Ethnomir” của mình rồi, và đối với anh thì bộ phim về Đức Phật sẽ quay tại quê hương của Ngài cũng logic thôi, bất chấp núi non và mùa đông băng giá, khi vấn đề kinh phí không là trở ngại nữa. Chỉ có Thầy vẫn giữ thái độ bình lặng như thường lệ, và một người con khác nữa có vẻ vẫn còn tin tưởng…

 

Cô gái này theo đạo Thiên Chúa bởi đó là truyền thống mấy đời của gia đình rồi, và đức tin của cô vào Chúa cũng rất vững vàng. Nhưng từ khi biết về câu chuyện đoàn làm phim “Cuộc đời Đức Phật” tự nhiên cô cảm thấy mình chắc chắn sẽ là người trong cuộc, sẽ phải bằng mọi giá giúp được cho bộ phim được khởi quay tại đây, tại quê hương. Chưa kể thêm là ngành học của cô cũng là về điện ảnh, ước mơ của cô là sẽ quay những câu chuyện lịch sử của nước nhà mà ta thì hay gọi là “phim cổ trang”… Dù không phải là Phật tử nhưng cô gái cũng hứa bằng mọi giá hỗ trợ bộ phim đến cùng. Những lúc khó khăn nhất cô tâm sự với tôi, rằng “em lúc cầu Chúa đều xin, dù có phải giảm tuổi thọ đi chăng nữa mà giúp được cho bộ phim ra đời cũng rất cam lòng!”. Nghe thật thương dù biết cô bé thật lòng muốn vậy!

 

Thế rồi đến hôm đoàn làm phim từ mấy nước chuẩn bị bay sang Nga để cùng ông Ruslan đi gặp hoàng gia Nepal thì cô gái này cấp tập báo tin vui: Nhà tài trợ Việt Nam đã sẵn sàng! Vui nhưng quả thực quá đột ngột với tất cả mọi người, thế là đoàn phim lập tức chuyển hướng quay sang Việt Nam. Nhưng họ vẫn rất lăn tăn một việc, là từ chối thế nào với nhà đầu tư Bayramov bây giờ đây, quả là ông ta đã làm hết mình cho việc bộ phim sớm được khởi quay, và cũng là một người có lòng tin rất mạnh vào tôn giáo! Họ hỏi ý kiến Thầy, Thầy rất vui vì tin mới nhưng cũng nói luôn: “Các bác đoàn làm phim cứ từ chối nhà đầu tư Nga thẳng thắn thôi, không có gì phải sợ hay áy náy cả, ông này là người cũng rất có tâm và sẽ còn đến với đất nước chúng tôi. Còn việc bộ phim như các bác thấy đấy, hãy cứ vững tin và bắt tay vào việc, các Đấng Bề Trên sẽ dần mở ra từng cánh cửa một, sẽ còn có rất nhiều những người tốt, việc tốt sẽ xuất hiện. Bộ phim này sẽ không giống với bất kể một bộ phim nào đã từng được làm trên thế giới. Bộ phim này theo lời của Đức Phật sẽ là một tác phẩm vĩ đại, dành cho không chỉ mấy năm thời nay đâu, mà còn để lại là bài học Phật Pháp cho rất nhiều thế hệ mai sau…”.

 

Và thế là ông đạo diễn Samy Pavel cùng những trợ lý đầu tiên đã có mặt ở Hà Nội, việc từ chối Ruslan Bayramov diễn ra không hề phức tạp gì, nhưng đoàn phim cũng mời ông ta sang dự khán khi các cảnh quay được tiến hành. Có thể đó là bước đầu tiên của ông ta với “Ethnomir” ở Việt Nam thì sao? Còn bộ phim sắp tới sẽ được quay tại Việt Nam, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhờ vào những người có đủ niềm tin sâu sắc như đoàn làm phim, nhờ vào những người vô cùng tâm huyết và không hề vụ lợi như cô gái Thiên Chúa kia, như nhà tài trợ, như biết bao người mới nghe đến câu chuyện bộ phim “Cuộc đời Đức Phật” đã sẵn sàng giúp đỡ vô tư như đó chính là việc quan trọng nhất của chính họ (và cũng theo yêu cầu của chính họ tôi sẽ không được phép nêu tên họ ra dù rất cảm kích). Mọi sự thực ra mới chỉ bắt đầu… Khi đạo diễn tới chào Thầy thì Thầy có dặn ông Samy và đoàn phim:

 

-Bộ phim này có ý nghĩa cực kỳ lớn không chỉ đối với Phật Pháp, mà với cả loài người. Khi bộ phim được đưa ra lập tức tất cả các núi lửa sẽ ngừng hoạt động trên toàn cầu. Mọi dịch bệnh, thiên tai sẽ bị bộ phim “Cuộc đời Đức Phật” đẩy lui, thế sự toàn bộ trên thế giới sẽ được xoay chuyển. Các dân tộc đang hằm hè chuẩn bị khởi chiến bỗng dưng sẽ bắt tay ngồi vào bàn đàm phán, chỉ muốn nói về những chuyện hòa bình, thân ái… Một kỷ nguyên mới sắp bắt đầu!

 

Vùng đất thánh thần Shambhala, tại sao không ai tìm được nó ở đâu, mặc dù các chuyên gia đã nói về nó 5 thế kỷ rồi, còn các câu chuyện lưu truyền đã hàng ngàn năm nay chứng tỏ không thể nói là không hề có vùng đất hay vương quốc ấy? Như nhiều Lama đã nhận định thì chỉ những người có niềm tin và tri lương thánh thiện mới có thể nhìn thấy được hay bước vào vương quốc Shambhala. Chúng tôi đã từng hỏi Thầy về vùng đất huyền bí này thì Thầy chỉ trả lời là Shambhala không chỉ là vùng đất đã biến mất trên địa cầu, mà nó sẽ còn quay lại với chúng ta, chính tương lai của loài người sẽ được ấn định bởi Shambhala. Và chỉ mới gần đây thôi Thầy mới nói thêm, rằng Shambhala có nghia là một vùng đất nằm cạnh một vùng nước bao la. Và chính Shambhala sẽ giúp cho chúng Phật tử và đoàn làm phim thực hiện xuất sắc tác phẩm “Cuộc đời Đức Phật”.

 

 

 

 

Bình luận Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *