Bố tôi trộm vía đã quá cao tuổi thế nên cả nhà con với cháu cùng gọi là “ông”. Với cái tuổi 97 này thì quả là cụ cũng còn minh mẫn chán, ông sống với vợ chồng tôi nhưng cụ vẫn đi lại và tự chăm sóc được bản thân mình. Về hưu đã mấy chục năm, nên thú vui của ông ngoài mấy đứa cháu ra thì chỉ còn lại xem tin tức, viết lách, nghe và chơi nhạc, và cách để ông giết thời gian tốt nhất là cờ tướng với scrabble (xếp chữ tiếng Anh). Con cái ban ngày phải đi làm cả, cũng may có một chú cao niên nhưng vẫn kém bố tôi hai giáp ở ngay gần, thế là ngày ngày hai thầy trò lôi cờ ra “tỷ thí”, còn scrabble lâu lâu mới có “đối thủ” đến chơi thôi. Thế rồi chúng tôi chuyển nhà, ông buồn một thời gian vì không có ai chơi cờ với mình cả, thì lạ thay lại gặp lại người “trò”-cũng ngẫu nhiên chuyển nhà đến ở ngay gần chúng tôi. Và thế là ông vui hẳn, ngày nào hai thày trò cũng làm mấy ván cờ tướng, mặc dù ông đánh cũng yếu đi nhiều, không nghĩ được nhiều nữa và mắt cũng kém dần…
Cách đây năm sáu năm bố tôi bắt đầu viết hồi ký. Ông viết tay thôi, gần nghìn trang, kể về cuộc đời mình và những bể dâu lịch sử mà ông đã được làm nhân chứng, với những nhân vật mà nay đã trở nên huyền thoại. Ông có trí nhớ rất tốt về những chuyện xưa, dưới ngòi bút của ông có những chuyện từ thời chiến tranh thế giới hay chuyện trong chiến khu mà được miêu ta như mới xảy ra ngày hôm qua. Nói vậy nhưng không có nghĩa là cái gì ông cũng nhớ, mà thực ra ông chỉ nhớ được những chuyện trước năm 2000. Sau đấy như có một lớp màn sương che phủ, ông không thể nhớ được những đứa cháu của ông sinh năm nào nữa, những gì có ghi chép thì ông lục ra được, còn lại thì chịu. Dần dần ông không nhớ được đang là năm nào… Rồi cách đây ba năm ông tuyên bố là viết đã xong, mấy đứa con lo in quyển hồi ký này để ông tặng họ hàng, cháu chắt và bạn bè. Mấy anh chị giao tôi lo việc đó…
Quả là in một cuốn sách thì không có gì là quá khó, nhưng tôi thấy ông rất mong chờ đứa con tinh thần của mình ra đời, một điều không lợi lắm cho sức khỏe của ông. Tôi hiểu bố tôi, nếu sách in xong thì ông sẽ có nhiều lo toan hơn nhiều: đề tặng thế nào, lên danh sách tặng những ai, ai trước ai sau…Sẽ rất bận rộn đối với ông nhưng sau niềm vui có lẽ là một khoảng lặng, một sự “chùng xuống” dễ hiểu và có khi…Tôi có cảm giác rằng càng có cuốn sách này chậm thì càng tốt cho bố tôi! Và thế là một chiến dịch kéo dài thời gian được bắt đầu…
Đầu tiên tôi bảo bố phải chuyển thành file Word mới đưa in được- thế là thuê cho ông một đứa ngồi đánh lại bản thảo viết khá khó đọc của ông để gõ vào máy tính, xong bài nào ông kiểm tra bài đấy. Tôi bảo cô bé đánh máy cứ thật thong thả, chả đi đâu mà vội, cứ tà tà…thế nên làm mấy tháng trời mới xong. Ông chọn tên cuốn hồi ký là “Tưởng rằng đã quên”- tất nhiên cũng là tên bài hát của tác giả yêu thích của ông. Lúc này tôi bắt đầu tập tọe “chơi” FB- và do có biết viết lách gì đâu, thế nên mỗi hôm tôi chọn một chương của cuốn hồi ký của ông để post lên. Mà tôi còn dốt đến mức cứ để chế độ chỉ có friends mới được xem thôi- mà thuở ban đầu đó tôi chỉ có hơn hai chục bạn FB- họ là những độc giả đầu tiên của cuốn hồi ký của bố tôi. Có thể nói là tôi bước vào “sân chơi FB” với hành trang chính là “Tưởng rằng đã quên” của bố.
Vẫn muốn kéo dài thời gian, tôi bảo sắp xếp, trình bày mất thì giờ lắm, hơn trăm bài thế này cơ mà- thực ra ông bạn Pham Minh Tri giúp cho trình bày rất chuẩn mà chỉ hết đâu có hơn tuần. Bố tôi khá sốt ruột vì mãi không trình bày xong, còn tôi thì cứ lần lữa hẹn hết tuần này sang tuần khác; chính vì ông mất cảm nhận thời gian chính xác nên tuy rằng biết là quá lâu, quá lề mề nhưng ông chả rõ tôi đã “ăn gian” được bao nhiêu tháng ngày! Rồi cũng phải đưa ông xem cuốn sách trình bày như thế nào- tôi lại in ra, đề nghị ông sửa từng chữ lần cuối, rồi ông ký vào đấy cho đảm bảo nội dung lẫn hình thức- thế mà bố tôi cặm cụi làm thật, làm rất kỹ nữa là khác, cách đây nửa năm đã xong cả việc đấy! Không còn cớ gì hơn, tôi lại bày ra trở ngại, là “xin giấy phép xuất bản lâu lắm, nhất là hồi ký của ông toàn nhân vật lịch sử nổi tiếng, lại đã chết lâu rồi, người ta thẩm định lại rất mất thì giờ”. Bố tôi cũng thông cảm cho việc đó, và cho tôi một kinh nghiệm về việc này. Đó là cách đây 35 năm bố tôi đang kiêm vị trí tổng biên tập tạp chí Khoa học và kỹ thuật, có dịch cuốn sách vật lý kinh điển “Ba phút đầu tiên” nói về sự hình thành của vũ trụ này, thời gian dịch có 2 tuần (bố tôi đọc còn tôi viết, lúc đó đang học sinh nên chẳng hiểu gì mà đến bây giờ cũng vẫn không hiểu y như thế hehe). Thế nhưng thời gian xin phép xuất bản là ba tháng có lẻ, vấn đề được đẩy lên tận Ban Khoa giáo trung ương để giải trình. Lý do: tại sao trong một vấn đề tối quan trọng (hình thành vũ trụ “của chúng ta”) mà lại quá ít những cái tên các nhà vật lý đến từ Liên Xô và xã hội chủ nghĩa như thế, chẳng nhẽ chúng ta đi sau họ? Cuối cùng bố tôi cũng thuyết phục được các nhà quản lý rằng trong nguyên tác có ít tên các nhà vật lý Liên Xô thật, có lẽ họ đang phát triển một hướng nghiên cứ vũ trụ khác còn tiên tiến hơn chăng, chả thế mà Gagarin bay lên trước đấy chứ? Và rồi các nhà quản lý mới yên tâm…
Nay ông đã già đi nhiều, thường phải chống nạng, mắt không đủ tinh để chơi ô chữ nữa, đã có nhiều biểu hiện lẫn, tuy ông vẫn đủ tỉnh táo để nhắc tôi về tiến độ ra mắt cuốn hồi ký, còn tôi thì vẫn hứa…Thế rồi khi khu vực Hồ Gươm trở thành phố đi bộ và cả nhà đưa ông ra đó đi dạo thì lạ thay, đột nhiên ông không còn nhớ là phải đi thế nào nữa. Đưa ông về chúng tôi phát hiện ra ông đã trở thành một người khác hẳn- ông không nghĩ được gì nữa ngoài cờ tướng và scrabble. Lập tức chúng tôi giấu hết bàn cờ và ô chữ đi, báo với ông bạn cờ là tạm thời đừng sang chơi nữa. Nhưng cái đó cũng chả giúp được gì nhiều, ông nhìn thấy quân cờ, các con chữ trong tất cả mọi vật xung quanh: dưới sàn, trên bàn, trên giường và cả trong …thức ăn- ông không còn ăn, còn ngủ được nữa mà lúc nào cũng đang trong trạng thái đang chơi!
Chúng tôi thực sự rất lo lắng, lúc nào cũng phải có người ở bên vì ông có thể ngã bất cứ lúc nào, ông không còn nghe lời ai nói nữa vì toàn tâm trí để vào ván đang chơi, có những lúc ban đêm ông đứng liêu xiêu cả tiếng đồng hồ, rất mệt rồi nhưng không ai bảo ông ngồi xuống được, ông đang tìm nước đi! Những linh cảm xấu đã len lén đến trong chúng tôi- ngoài việc lo thuốc thang ra chúng tôi nhanh chóng in quyển hồi ký, chỉ lo không kịp để ông nhìn thấy đứa con tinh thần với biết bao chờ đợi. Tôi đã rất dằn vặt bản thân, rằng nhẽ ra in xong từ bao giờ rồi ấy chứ, ông đã kịp thực hiện mong muốn trao quyển hồi ký của mình cho hết bà con, bạn bè. Khi in xong tôi lập tức dâng lên ban thờ Đức Phật Bà và Đức Phật Mẫu Chuẩn Đề Tâm Pháp, lúc mang về tôi cũng thở phào, nhưng lại càng thêm lo lắng và thất vọng: bố tôi nhận lấy cuốn sách với ánh mắt vô hồn, cầm sách và lại tiếp tục chơi cờ. Đưa ông cái bút để đề tặng, thì ông chỉ nguệch ngoạc được ngay trên trang bìa những dấu vô nghĩa- ông đã không còn đọc, còn viết được nữa!
Con cái thống nhất rằng với trạng thái như thế này chả ai có tâm trí nghĩ đến việc tặng sách. Cả ngày bố tôi ngồi một chỗ, ánh mắt vô hồn nhìn vào một điểm trên bìa cuốn hồi ký, tay cầm cái bút di lên di xuống như đang chơi cờ với một địch thủ vô hình nào đó. Mấy ngày chờ đợi vô vọng và đầy lo ngại, nhưng rồi điều kỳ diệu đã xảy ra! Không biết vì cái tên “Tưởng rằng đã quên” đã báo trước tất cả, hay cái bìa sách (vốn do một người cháu họa sỹ trong Nam trình bày hộ) hay cái việc phải in được cuốn hồi kỳ vẫn còn nằm trong một vùng ký ức nào đó của ông đã được đánh thức…nhưng ông bắt đầu đọc được, dù chỉ chậm rãi, dù chỉ cái trang bìa. Thế rồi mọi sự chợt lại bừng sáng lên- bố tôi lại đọc được như thường, và cũng với nó là nói, là viết, là đi, là chơi đàn, là ăn…Mới đọc lướt qua ông đã phát hiện ngay ra chỗ nào tôi cắt xén bớt của ông! Bố tôi đã trở lại, có phần còn tỉnh táo hơn xưa…
Vâng, đó là câu chuyện đang xảy ra hôm nay, tôi đã quá mừng nên muốn chia sẻ cùng với các bạn, bố tôi đang trên đường bình phục trở lại. Ông vẫn còn rất yếu, và chúng tôi quyết định chưa để ông tặng ai cuốn sách nào cả. Sẽ cứ để ông hàng ngày đọc lại “Tưởng rằng đã quên”, đọc lại chính cuộc đời mình. “Tưởng rằng đã quên” sẽ còn giúp bố tôi bình phục, cũng với cái cách cuốn hồi ký này đã cứu bố tôi thế đấy! “Dựng đời bão lên. Làm từng vết thương hồn nhiên…”
Ghi chú: cầu Trời, cầu Phật cho bố tôi khỏe mạnh trở lại, tôi xin làm lại việc đã làm 3 năm trước, khi mới chân ướt chân ráo vào “làng Phây”, đó là post lại những bài hồi ký chọn lọc của “Tưởng rằng đã quên”!
Bình luận Facebook